Quảng Bình thu ngân sách tăng mạnh
Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đạt kết quả vượt kỳ vọng trong thu ngân sách, với dự kiến tổng thu hơn 6.960 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023...
Theo thông tin từ Cục Thống kê Quảng Bình, tổng thu ngân sách trên địa bàn 11 tháng năm 2024 ước tính thực hiện hơn 6.117 tỷ đồng, tăng 0,8% dự toán địa phương giao và tăng 31,0% so với cùng kỳ. Trong đó, tỉnh này thu nội địa đạt 4.591 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán địa phương giao và tăng 11,8% so với cùng kỳ, Quảng Bình thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 1.526,4 tỷ đồng, tăng 118,1% dự toán địa phương giao và tăng 171,6% so với cùng kỳ năm trước, với kết quả trên thu thuế xuất nhập khẩu của tỉnh này đạt cao nhất từ trước đến nay.
Nguyên nhân thu ngân sách của Quảng Bình tăng cao là do tính từ đầu năm đến 15/11/2024, có 295 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan qua địa bàn tỉnh Quảng Bình, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023, quy mô kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tăng đến 93,6%. Điều đáng nói, số lượng doanh nghiệp tăng kéo theo nhiều các mặt hàng có thuế suất cao như nước tăng lực, thạch cao, máy móc thiết bị nhập khẩu tăng theo.
Tính riêng mặt hàng máy móc thiết bị nhập khẩu thuộc Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I đã đóng góp số thuế là 718,6 tỷ đồng, chiếm 49,6% tổng thu ngân sách tại đơn vị.
Trong tổng số thu cân đối ngân sách 11 tháng năm 2024, Quảng Bình có 14/16 khoản có tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu ngoài quốc doanh, thu phí và lệ phí, thu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền thuê đất, thu tiền sử dụng đất, thu khác trong cân đối ngân sách, thu hoa lợi công sản; thu xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và thu tiền sử dụng khu vực biển. Tỉnh Quảng Bình dự kiến năm 2024 sẽ thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.960 tỷ đồng.
Cũng theo thông tin từ Cục Thống kê Quảng Bình, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11 và 11 tháng của tỉnh này tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy toàn ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự điều hành của lãnh đạo tỉnh, cùng các cấp, các ngành đã tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 năm 2024 của Quảng Bình tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 8,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh này tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 của Quảng Bình đạt 46.842,1 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng cao 11,7% và đóng góp tăng 4,4 điểm phần trăm trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Doanh thu hoạt động lưu trú của Quảng Bình 11 tháng đạt 596,3 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Số lượt khách lưu trú 11 tháng đạt hơn 1,8 triệu lượt khách, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế lưu trú đạt 102.151 lượt khách quốc tế, tăng 18,0% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống của tỉnh này 11 tháng đạt hơn 4.082 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ tại tỉnh này 11 tháng qua đạt hơn 2.472 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Trong đó các nhóm ngành tăng đều từ 7,7%-10,6% so với cùng kỳ, cụ thể như sau: nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 7,9%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 10,6%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 7,7%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 9%; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 10,6%...