15:56 14/03/2023

Quảng Nam lan tỏa khát vọng khởi nghiệp sáng tạo 

Ngô Anh Văn

Với tư duy “khởi nghiệp sáng tạo mở”, sau 5 năm triển khai mô hình Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam đã hình thành mạng lưới đông đảo, và nhờ đó tỉnh Quảng Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Quốc gia khởi nghiệp 2023, với chủ đề “Quảng Nam – Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp”...

Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở KH&CN, Trưởng Ban điều hành Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam (người ngồi thứ 2 từ trái sang) tại Hội thảo kết nối mạng lưới hệ sinh thái sáng tạo miền Trung - Tây Ngyên.
Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở KH&CN, Trưởng Ban điều hành Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam (người ngồi thứ 2 từ trái sang) tại Hội thảo kết nối mạng lưới hệ sinh thái sáng tạo miền Trung - Tây Ngyên.

Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh-người tham mưu xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam từ buổi đầu sơ khai đến nay, cho biết năm 2019, tỉnh Quảng Nam công bố mô hình Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo chủ đề: “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”. Năm 2020, Quảng Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn giao điều phối mạng lưới khởi nghiệp vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên.

VÙNG ĐẤT MỞ CHO KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO

Tại ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – TechFest Viet Nam 2022 tổ chức tại Bình Dương, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức công bố mô hình khởi nghiệp Việt Nam “Đổi mới sáng tạo mở – Khơi nguồn tư duy mới” để thích ứng với bối cảnh mới, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức và kết nối toàn cầu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ.

Đến nay, cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam đã phát triển mạnh mẽ hình thành mạng lưới đông đảo, thường xuyên tương tác và hỗ trợ cho nhau, cả những chia sẻ thất bại, coi đây là nguồn động viên to lớn trên con đường khởi nghiệp không mấy gian truân. Chấp nhận thất bại để bắt đầu cho sự thành công dần dần được cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo xứ Quảng nhận thức và dấn thân.

Theo ông Phạm Ngọc Sinh, khởi nghiệp sáng tạo mở là hướng đến sự liên kết, cộng hưởng và lan tỏa –một mô hình tiếp cận mới của Việt Nam khởi động năm 2022 nhằm mở rộng, gắn kết với chương trình, chiến lược của quốc gia và quốc tế. Các địa phương luôn sáng tạo những mô hình khác nhau, song không ngừng liên kết để huy động nguồn lực bù đắp, bổ sung cho các thành phần hạn chế và thiếu hụt của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, chia sẻ tinh thần và giá trị truyền thống của quê hương Quảng Nam là bệ đỡ rất có giá trị và có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ. Theo ông Thanh, các bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo phải luôn đam mê, dấn thân tìm tòi, sáng tạo và mở rộng liên kết, học hỏi để không ngừng vươn lên, thực hiện khát vọng của mình. 

Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thành viên Hội đồng cố vấn khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đánh giá: “Rất nhiều địa phương chọn cho mình một giá trị để định vị, truyền cảm hứng khởi nghiệp trong xã hội, như: Đồng Tháp – Đàn sếu khởi nghiệp, Đà Nẵng – Cánh chuồn bay lên, Nghệ An – Khát vọng sông Lam, Khánh Hòa – Khung trời của biển, sáng tạo bức phá, Huế – Cố đô khởi nghiệp;… Nhưng slogan của Quảng Nam rất ấn tượng và sâu sắc. Cách định vị ấy có tầm nhìn chiến lược với một tư duy thoáng mở – điều mà bất cứ hệ sinh thái nào trên thế giới đều quan tâm tạo lập”.

KẾT NỐI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ LAN TỎA MẠNH MẼ

Sau 5 năm triển khai và xây dựng trên nền tảng “tư duy khởi nghiệp mở”, cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam đã hình thành mạng lưới đông đảo, thường xuyên tương tác và hỗ trợ cho nhau, cả những chia sẻ thất bại và coi đây là nguồn động viên to lớn trên con đường khởi nghiệp không mấy gian truân.

Chấp nhận thất bại để bắt đầu cho sự thành công dần dần được cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo xứ Quảng nhận thức và dấn thân. Chủ dự án khởi nghiệp “Gạo lứt Bhnong – mang hương rừng ra phố”- đoạt giải Nhì cấp Quốc gia năm 2022, chia sẻ: “Khi chúng tôi cô đơn trong hành trình bỏ phố về quê và càng cô đơn hơn giữa núi rừng Hiệp Đức để nuôi dưỡng ước mơ “trả nợ quê hương” thì tôi bắt gặp mạng lưới khởi nghiệp xứ Quảng đã tương tác, kết nối,…để tôi có ngày hôm nay. Và, hôm nay, tôi ý thức được mình cần phải làm gì để mang giá trị mạng lưới đến các bạn khởi nghiệp tiếp theo nhiều hơn, để khởi nghiệp xứ Quảng bền vững và lan toa mạnh mẽ hơn”.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá: “Quảng Nam xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp rất đặc trưng và đặc biệt, biết huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ khởi nghiệp. Có thể nói, tư duy mở trong khởi nghiệp Quảng Nam được định hình sớm nhất và thực hiện thành công vai trò kết nối mạng lưới vùng, quốc gia. “Quảng Nam là địa phương rất có trách nhiệm tham gia chuỗi hoạt động thường niên trong khuôn khổ TechFest Quốc gia”, ông Phạm Hồng Quất khẳng định.

Với ba chương trình cấp tỉnh, 13 chương trình cấp ngành và nhiều sự phối hợp, liên kết thông qua các hoạt động riêng, hiện Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về chương trình hợp tác. Hầu hết các tổ chức, chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp hàng đầu quốc gia đã hội tụ về Quảng Nam để tổ chức hoặc tham gia các diễn đàn, hội thảo, đào tạo, tập huấn,… về kiến thức, kỹ năng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp quốc gia và cấp vùng. 

Quảng Nam cũng đã chủ động đào tạo chuyên gia, giảng viên nguồn (ToT) khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn, với 100 lượt người tham gia đào tạo ToT (Đại học Huế tổ chức đào tạo 1 lớp với số lượng 45 người; Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức 1 lớp với số lượng 35 người.

Ấn tượng với hệ sinh thái khởi nghiệp mở Quảng Nam, ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia nêu rõ: Hiệp hội đang mở rộng vai trò kết nối khởi nghiệp quốc gia theo mô hình của tỉnh Quảng Nam. Và, chúng tôi đang lập kế hoạch mời Quảng Nam xây dựng, phát triển hệ thống hiệp hội tại miền Trung – Tây Nguyên.