Quảng Ngãi: Chi ngân sách năm 2023 cho giáo dục đạt tỷ lệ gần 40%
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định tỉnh “quan tâm tới tới giáo dục là trách nhiệm chính trị, là vì tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai”. Sự ưu tiên này thể hiện ở ngân sách của tỉnh chi cho giáo dục theo xu hướng ngày càng tăng - năm 2023, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục của tỉnh Quảng Ngãi là 38%.
Chiều 13/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương và chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh Quãng Ngãi, ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở giáo dục đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết toàn tỉnh hiện có 584 đơn vị, cơ sở giáo dục với 284.252 học sinh, học viên và 18.101 cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên toàn ngành.
Thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã vận dụng nhiều cách làm hiệu quả thông qua lồng ghép nhiều chương trình, dự án hoặc tranh thủ nguồn lực xã hội hóa giáo dục để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nằm trong lộ trình. Đến nay, toàn tỉnh có 420 trường đạt chuẩn quốc gia.
Tỉnh Quảng Ngãi luôn duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chất lượng giáo dục thể hiện qua kết quả thi học sinh giỏi quốc gia và tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh tăng qua từng năm. Số học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cũng đạt tỷ lệ cao.
Để đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục đáp ứng yêu cầu trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Đẩy mạnh chuyển đối số, ngành giáo dục Quảng Ngãi đã triển khai, ứng dụng các phần mềm trong công tác quản lý cán bộ, tài chính, chương trình dạy học và mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện có 178/203 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm học bạ số.
Tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, ban hành Chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn để triển khai Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Công tác tập huấn, quán triệt quy chế, quy định cũng đã được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi có 14.394 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉnh đã bố trí 35 điểm thi (tăng 1 điểm thi so với năm 2023) với tổng số phòng thi là 635 phòng. Dự kiến sẽ có 2.195 cán bộ, giáo viên được huy động làm công tác thi.
Đến thời điểm này tất cả 35 điểm thi của tỉnh Quảng Ngãi đã được chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện về an toàn an ninh khu vực tổ chức thi.
Để tạo thuận lợi cho địa phương trong phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc hiện tại, tỉnh Quãng Ngãi đã có những kiến nghị cụ thể tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo xung quanh vấn đề đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, khắc phục thiếu giáo viên và thúc đẩy phát triển đội ngũ nhà giáo, chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non, học sinh, giáo viên, nhân viên trường học, đặc biệt là ở vùng khó khăn…
Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, bà Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định tỉnh Quảng Ngãi rất quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục của tỉnh ngày càng đi lên, cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh “quan tâm tới tới giáo dục là trách nhiệm chính trị, là vì tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai”. Sự ưu tiên này thể hiện ở ngân sách của tỉnh chi cho giáo dục theo xu hướng ngày càng tăng - năm 2023, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục của tỉnh Quảng Ngãi là 38%. Tỉnh cũng có nhiều chính sách đặc thù cho giáo viên, học sinh trong đào tạo mũi nhọn.
Nhận định xu thế phát triển của giáo dục Quảng Ngãi ngày càng tốt hơn và các chỉ số có xu hướng bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới một số chỉ số cụ thể như tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phổ cập tiểu học cấp độ 3, kết quả thi tốt nghiệp THPT trong nhóm cao, giáo dục mũi nhọn cải thiện rõ rệt.
Theo đó, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian ngắn nữa ngành giáo dục sẽ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Khi chiến lược được ban hành, mong rằng các địa phương cũng sớm có chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn mới để cùng “hô ứng” với chiến lược chung và khớp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.