17:00 23/11/2023

Quảng Ngãi phát triển hệ thống 18 đô thị vào năm 2030

Thanh Xuân

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1456/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, phương án quy hoạch hệ thống đô thị của tỉnh đến năm 2030 là phát triển 18 đô thị…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phạm vi ranh giới Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam, Nghị định 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với biến động của nền kinh tế. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển - đảo…

Để thực hiện, phương án quy hoạch hệ thống đô thị của tỉnh đến năm 2030 là phát triển 18 đô thị, gồm: 1 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại I là TP.Quảng Ngãi; 2 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại III là thị xã Bình Sơn và thị xã Đức Phổ; 1 đô thị loại IV là huyện Lý Sơn; 14 đô thị loại V. Trong đó, TP.Quảng Ngãi sẽ là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - kinh tế, văn hoá - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh; là đô thị ven sông, hướng biển - một trong những đô thị có tiềm năng phát triển thuộc dải đô thị ven biển miền Trung Việt Nam.

Ngoài ra, về phương án phát triển các khu chức năng, cụm công nghiệp, cũng xác định đối với Khu kinh tế Dung Quất: Phát triển Khu kinh tế Dung Quất tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi, quy mô 45.332 ha, có định hướng là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; triển khai hoàn thành Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

 Đến năm 2030, Quảng Ngãi phát triển 10 khu công nghiệp, gồm: 6 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Dung Quất. Trong đó, 4 khu hiện có là khu công nghiệp phía Tây, khu công nghiệp Đông Dung Quất, khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước, khu công nghiệp Tịnh Phong; dự kiến thành lập mới 2 khu là khu công nghiệp Dung Quất II, khu công nghiệp Bình Thanh, và 4 khu công nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất. Trong đó, 2 khu hiện có là khu công nghiệp Phổ Phong, Quảng Phú; dự kiến thành lập mới 2 khu là khu công nghiệp Bình Long, An Phú. Tổng diện tích đất tính toán theo nhu cầu phát triển cho 10 khu công nghiệp là 6.648 ha.

Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện di dời 2 cụm ở TP.Quảng Ngãi (cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây, cụm công nghiệp phường Trương Quang Trọng) và 1 cụm ở huyện Ba Tơ (cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ); tiếp tục duy trì, mở rộng 17 cụm công nghiệp hiện có; đề xuất thành lập mới 19 cụm công nghiệp. Nghiên cứu, thành lập mới các cụm công nghiệp khác tại những vị trí tiềm năng khi đáp ứng đủ điều kiện.

Đối với việc phát triển du lịch, các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia như khu du lịch Mỹ Khê và khu du lịch đảo Lý Sơn, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất để sớm được công nhận là khu du lịch quốc gia.

Bên cạnh đó, sẽ phát triển, hình thành các khu du lịch cấp tỉnh tại huyện Trà Bồng, Bình Sơn, Ba Tơ, Sơn Hà và thị xã Đức Phổ, bao gồm: khu du lịch biển Sa Huỳnh, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Núi Ngang, khu du lịch sinh thái Thạch Bích, khu du lịch Bình Châu, khu du lịch sinh thái Núi Cà Đam, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Nước Trong, khu du lịch sinh thái Kà Tinh, khu du lịch sinh thái thảo nguyên Bùi Hui, quần thể đô thị nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Thạch Bích - Núi Chúa và hình thành các khu du lịch cấp tỉnh khác khi đủ điều kiện.

Đồng thời, phát triển khu vực dọc tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (từ huyện Tư Nghĩa đến thị xã Đức Phổ) trở thành khu du lịch - dịch vụ - đô thị và nông lâm nghiệp ven biển. Trong đó, phát triển du lịch là chức năng chủ đạo, làm động lực thúc đẩy và phát triển các khu đô thị mới dọc theo tuyến ven biển, góp phần tạo động lực cho khu vực ven biển phía Nam của tỉnh; Thu hút đầu tư, xây dựng một số sân gôn kết hợp với các khu nghỉ dưỡng, du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, khu đô thị dịch vụ tại địa điểm thích hợp, có tiềm năng, khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.