Quảng Ninh nỗ lực "vực dậy" du lịch sau đại dịch
Hành lang pháp lý để phát triển các sản phẩm du lịch mới đã có, nhưng Quảng Ninh cũng cần có những cơ chế, chính sách, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận đất đai, giải quyết các vướng mắc để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm triển khai các dự án mới...
Theo thông tin từ Sở Du lịch Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt khách, đạt 108% kịch bản, bằng 161% cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 16.660 tỷ đồng, đạt 100% kịch bản, bằng 156% cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khách quốc tế đạt 658.000 lượt, tăng gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường khách quốc tế hàng đầu của Quảng Ninh được xác định là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Australia, Đức, Malaysia, Canada...
Khảo sát sơ bộ, bước sang nửa đầu đầu tháng 7, lượng khách đến Quảng Ninh cũng tăng cao vào dịp cuối tuần, số lượng du khách tại các trọng điểm du lịch của tỉnh tăng từ 10 - 20%, một số điểm đến miền Đông như Móng Cái, Bình Liêu, Cô Tô cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột phá.
Trong năm 2023, Quảng Ninh đã đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác. Tiêu biểu là các phố đêm, sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí... Cùng với một số hoạt động mới mẻ như Liên hoan các nhóm nhảy, Liên hoan âm nhạc đường phố, biểu diễn dân vũ, Hội chợ OCOP hè 2023...
Tuy nhiên, sản phẩm nêu trên chỉ mang tính dịch vụ nhỏ. Còn các sản phẩm du lịch đi kèm với đầu tư quy mô lớn thì chưa có sản phẩm nào được đầu tư mới và hoàn thiện trong vòng 2 - 3 năm qua.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thuỷ, du lịch Việt Nam nói chung cũng như Quảng Ninh đang đối diện với không ít khó khăn, lượng du khách tăng nhanh ở các địa phương nhưng cơ sở vật chất lại chưa kịp phát triển tương xứng nên đã xảy ra tình trạng không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách về cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống.
Ví dụ Quảng Ninh có điểm đến Vân Đồn được định hướng thành Khu du lịch quốc gia, nhưng hiện tại tiến độ đầu tư những cơ sở lưu trú chất lượng cao vẫn rất chậm. Đến nay, cả Vân Đồn chưa có khách sạn 4 sao nào được đưa vào hoạt động…
Khảo sát gần đây cho thấy dòng khách du lịch Hàn Quốc đến Quảng Ninh đã giảm tỷ trọng trong tổng thể khách đến Việt Nam và dịch chuyển sang các địa phương khác…
“Hành lang pháp lý để phát triển các sản phẩm du lịch mới đã có, nhưng Quảng Ninh cũng cần có những cơ chế, chính sách, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận đất đai, giải quyết các vướng mắc để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm triển khai các dự án mới. Mặt khác, đề án phát triển kinh tế đêm của tỉnh cũng cần được sớm hoàn thiện để có thể tạo ra những sản phẩm du lịch mới thực sự hấp dẫn cho du khách”, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thuỷ kết luận.
Trước mắt, để hoàn thành mục tiêu thu hút 15 triệu khách du lịch năm 2023, nửa cuối năm còn lại Quảng Ninh đang tiếp tục nỗ lực triển khai kế hoạch tăng trưởng du lịch năm 2023; Ban hành và tổ chức thực hiện một số đề án, phương án trọng tâm như: Đề án thúc đẩy tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2023 trong lĩnh vực du lịch; Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô…