18:34 15/05/2023

Quảng Ninh: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 0,05% vào cuối năm 2025

Nhật Dương

Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục hỗ trợ các chương trình tạo việc làm, sinh kế bền vững; trợ giúp xã hội đối với đối tượng yếu thế, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 0,05%...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Quảng Ninh đã xác định hoàn thiện cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai dự án hỗ trợ hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo thông qua Chương trình 135 và Đề án 196.

Riêng trong giai đoạn 2011-2020, tổng kinh phí đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh là trên 2.630 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã và huy động từ doanh nghiệp, cá nhân là trên 1.987 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư xây dựng 630 công trình trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, nước sạch tập trung, thủy lợi…

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, Quảng Ninh đã triển khai dự án cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn để hỗ trợ sữa cho 1.200 trẻ em mầm non tại các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ được uống sữa liên tục trong 90 ngày; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tặng hơn 32.000 ly sữa cho học sinh Trường Mầm non Đồn Đạc (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ)…

Để giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo, Quảng Ninh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều riêng của tỉnh còn dưới 0,05%.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường; hỗ trợ mua điện thoại thông minh và gói cước cho hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường cơ sở vật chất cho thông tin cơ sở. Đồng thời, hỗ trợ dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững; đẩy mạnh chuyển giao khoa học; thực hiện dự án trợ giúp xã hội đối với đối tượng yếu thế; giới thiệu gương sáng thoát nghèo, mô hình giảm nghèo…

Theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 30/3/2023, chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2023-2025: khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên.

Chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 30 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội. Chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội.

Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nghị quyết này được ngân sách tỉnh hỗ trợ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội, hỗ trợ vay vốn như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ và của tỉnh.

Trường hợp các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, của tỉnh Quảng Ninh ban hành có cùng nội dung quy định thì đối tượng chỉ được hưởng hỗ trợ theo quy định có mức hỗ trợ cao nhất.