11:48 25/12/2008

Quanh gói kích thích kinh tế 3 tỷ USD của Thái Lan

Trung Việt

Chính phủ mới ở Thái Lan vừa tuyên bố sẽ chi ít nhất 100 tỷ Baht (3 tỷ USD) để kích thích tăng trưởng kinh tế

Tân Thủ tướng Thái Lan Abhisit: “Tôi sẽ làm việc cho mọi người dân Thái Lan, những người đã ủng hộ cũng như những người đã chống lại tôi”.
Tân Thủ tướng Thái Lan Abhisit: “Tôi sẽ làm việc cho mọi người dân Thái Lan, những người đã ủng hộ cũng như những người đã chống lại tôi”.
Chính phủ mới ở Thái Lan vừa tuyên bố sẽ chi ít nhất 100 tỷ Baht (3 tỷ USD) để kích thích tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh kinh tế nước này đang trì trệ và thiệt hại nặng nề do bất ổn chính trị liên tiếp thời gian qua.

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij ngày 23/12 cho biết, khoản tiền gần 3 tỷ USD để kích cầu kinh tế nêu trên được chi từ ngân sách tài khoá năm 2009 của Chính phủ Thái Lan.

Đây được xem như hành động đầu tiên của tân Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, nhằm thực hiện cam kết khôi phục kinh tế.

Kích cầu kinh tế và trợ giúp dân nghèo

Chính phủ Thái Lan gồm 36 thành viên, đứng đầu là Thủ tướng Abhisit  vừa tuyên thệ nhậm chức hôm 22/12. Tại lễ nhậm chức, ông Abhisit  đã cam kết thực hiện khôi phục kinh tế và hòa giải dân tộc. Ông cũng hứa hẹn sẽ đề ra các chính sách để trợ giúp nông dân Thái Lan vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.

Vực dậy kinh tế Thái là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của tân Thủ tướng Abhisit, trong bối cảnh nhiều nhà phân tích lo ngại nền kinh tế Thái Lan có nguy cơ rơi vào suy thoái, với dự đoán chỉ đạt tăng trưởng 1% trong quý 1/2009 và không tăng trưởng trong quý 2. Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Korn Chatikavanij thậm chí cho rằng, Thái Lan đang đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.

Theo ông Korn, cuộc khủng hoảng lần này không chỉ đơn thuần gây tổn thất tài chính mà còn liên quan đến những vấn đề khác mà Thái Lan đang phải đối mặt. Đó là những bất ổn về chính trị đang làm suy giảm mạnh lòng tin của giới đầu tư và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu và du lịch.

Việc áp dụng "chiêu" phá giá đồng  Baht để khuyến khích xuất khẩu, giống như trong cuộc khủng khoảng tài chính năm 1997 - 1998, sẽ không còn phù hợp vì hiện cả ba thị trường xuất khẩu lớn của Thái Lan là Mỹ, Nhật Bản và EU đều đang trong cơn suy thoái.

Ngoài việc kích cầu kinh tế, chính phủ mới ở Thái Lan cũng đang chú trọng thực hiện chính sách trợ giúp người nghèo. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij ngày 23/12 cho biết, chính phủ đang xem xét tiếp tục thực hiện gói biện pháp kích thích tài chính mà chính phủ tiền nhiệm đã thực thi, vì một số trong 6 biện pháp này vẫn còn thích hợp, như việc hỗ trợ người dân về chi phí điện, nước sinh hoạt và giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu.

Trước đó, tân Thủ tướng Abhisit cũng khẳng định, chính phủ của ông sẽ tiếp tục trợ giúp nông dân. Đồng thời, đã lên kế hoạch thông qua Quỹ hỗ trợ chương trình trồng lại cao su trị giá khoảng 3 tỷ Baht (gần 100 triệu USD) để hỗ trợ ngành cao su đang có nguy cơ phải tạm ngừng xuất khẩu, do giá giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Theo đuổi chính sách dân túy; hòa giải dân tộc

Với những chính sách kể trên, báo chí Thái Lan nhận định, chính phủ liên hiệp do đảng Dân chủ của ông Abhisit đang theo đuổi chính sách dân túy theo kiểu chính phủ trước đây của ông Thaksin, để giải quyết tình trạng kinh tế sa sút.

Tại cuộc họp bàn phương hướng hành động của chính phủ mới vừa qua, nhiều đại biểu của các đảng trong liên minh cầm quyền đã hối thúc ông Abhisit thực hiện chính sách này. Họ nhất trí rằng, những chính sách đã mang lại kết quả tốt của các chính phủ trước sẽ được duy trì.

Một số đại biểu còn đề nghị chính phủ mới nên tiếp tục dự án cho cộng đồng vay ở quy mô vừa và nhỏ, dành những khoản trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi, các biện pháp giúp người thất nghiệp và nông dân, ngăn chặn nông sản rớt giá...

Bên cạnh việc bắt tay thực hiện cam kết khôi phục kinh tế, Chính phủ mới cũng đang khởi động các nỗ lực hòa giải dân tộc.

Thủ tướng Abhisit khẳng định, chính phủ coi chính sách về miền Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu. Không chỉ sử dụng biện pháp an ninh để giải quyết vấn đề miền Nam, chính phủ sẽ chú trọng tới các mâu thuẫn về kinh tế và văn hóa tại đây. Ông Abhisit cũng tuyên bố sẽ đến thăm những khu vực nghèo ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, nơi được cho là "lãnh địa" của cựu Thủ tướng Thaksin. Ông nhấn mạnh: “Tôi sẽ làm việc cho mọi người dân Thái Lan, những người đã ủng hộ cũng như những người đã chống lại tôi”.

Báo Bưu điện Bangkok  hôm 23/12 đã dẫn lời tân Thủ tướng Abhisit  khẳng định, chính phủ mới sẽ khôi phục niềm tin quốc tế trong thời gian sớm nhất bằng cam kết siết chặt các biện pháp an ninh và không để tái diễn những biến cố như cuộc biểu tình chiếm giữ sân bay quốc tế Suvarnabhumi hồi cuối tháng 11.