Quạt không cánh: sang, lạ nhưng không hoàn hảo?
So với quạt truyền thống, quạt không cánh được cho là an toàn đối với gia đình với trẻ nhỏ. Vậy quạt không cánh có những ưu điểm gì, có nên mua không?
Theo Wiki, quạt không cánh còn có tên gọi là: Dyson Air Multiplier, do kỹ sư James Dyson (người Anh) giới thiệu vào năm 2009. Sản phẩm được mô tả như chiếc quạt để bàn nhưng có thiết kế theo dạng khí động học, tạo ra luồng gió chuyển động êm hơn và hoạt động không cần cánh quạt như các loại quạt thông dụng.Quạt sử dụng một môtơ điện một chiều 40W đặt bên trong thân quạt, khi hoạt động môtơ (có cánh) sẽ hút không khí từ bên ngoài vào qua những lỗ nhỏ li ti ở phần đế quạt, sau đó đẩy luồng khí lên khung lõm hình tròn được ép chặt bên trên. Khung lõm này có khe hở rộng 1,3 li, nên không khí bị ép đi xuyên qua sẽ tạo thành luồng khí thổi về phía trước gấp 15 lần so với ban đầu. Như vậy sản phẩm sẽ tạo ra gió mát mà không cần cánh quạt, an toàn với trẻ em, có tính thẩm mỹ. Nhưng nếu xét cho cùng thì đây cũng chỉ là một chiếc quạt có cánh hút không khí được giấu bên trong và áp dụng nguyên lý khí động học để tạo nên luồng gió thổi ra.
Quạt không cánh chính chính hãng có giá khá cao, tại trang web Amazon có giá trung bình từ 6 – 8 triệu đồng/cây, nếu mua tại Việt Nam thì cũng tầm từ 9 – 10 triệu đồng/cây. Do vậy các công ty ở Trung Quốc đã nhái mẫu mã và công nghệ để chế tạo ra nhiều loại quạt không cánh giới thiệu vào thị trường Việt Nam, giá một cây quạt nhái chỉ từ 1,5 – 2,2 triệu đồng/cây. Thời gian gần đây, các công ty ở Việt Nam cũng nhanh nhạy với thị trường khi đặt hàng nhiều mẫu quạt không cánh gắn liền với thương hiệu riêng của công ty mình.Nếu các loại quạt truyền thống dễ vỡ, gãy cánh khi chạm vật cứng, độ an toàn thấp, dễ bám bụi, khó vệ sinh… thì dòng quạt không cánh loại bỏ hết các nhược điểm trên. Ngoài ra, quạt thông thường sử dụng nhiều cánh quạt để cắt không khí tạo nhiều luồng khí, còn loại quạt này dùng công nghệ của máy bay phản lực, kết cấu dạng cánh máy bay để tối đa hóa tốc độ và thể tích gió. So với quạt có cánh thì sức gió thổi ra không thua, gió lại êm và liên tục hơn. Người dùng có thể dễ dàng vặn nút điều chỉnh hoặc điều khiển từ xa để chỉnh tốc độ gió theo sở thích.
Dẫu vậy thì chẳng có gì là hoàn hảo, quạt không cánh vẫn có những nhược điểm rất rõ ràng. Mặc dù có tấm lọc bên trong thân, nhưng về lâu dài quạt khá dễ bám bụi, đặc biệt là trong môi trường không khí ô nhiễm khá cao như ở nước ta. Càng tệ hơn khi quạt không cánh thường rất khó mở ra để vệ sinh do được thiết kế với nhiều ốc vít kết nối
Bộ phận khuếch đại luồng gió trong quạt khá dễ bị hư hỏng và cũng sẽ không hề dễ để tự sửa chữa. Hiệu quả làm mát cũng được cho là phù hợp với những ngày thu dịu trời hơn là những ngày hè nóng nực vì không đọ được với các loại quạt điện có cánh thông dụng. Quạt chỉ có thể chuyển hướng xoay quanh 90 độ, xoay lên - xuống.Ngoài ra, người tiêu dùng dễ mua nhầm phải quạt không cánh nhái mẫu mã, công nghệ nhưng chất lượng rất kém. Quạt nhái đa phần có xuất xứ Trung Quốc, thậm chí còn có thêm nhiều tính năng như lắp ráp thêm các đèn led, thêm remote điều khiển… Tuy nhiên, hàng nhái không có mô tơ cao cấp với vòng quay lớn, mà chỉ là mô tơ điện một chiều (dùng cho quạt sạc), công suất thấp, khe hở trên khung lõm hình tròn, chất lượng không đều nên sức gió thổi thua quạt bàn, khi chạy ở tốc độ cao sẽ gây ồn lớn. Quạt nhái còn rất nhanh hỏng bộ phận khuếch đại luồng gió.
Các kỹ sư cơ điện khuyên, khi mua quạt không cánh nên xem xét kỹ nguồn gốc xuất xứ để tránh mua phải quạt nhái sẽ rất nhanh hỏng, dùng tốn điện lại gây tiếng ồn.