16:45 20/12/2019

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị sa thải

Nhật Dương

Người thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong 2 ngày 20-21/12/2019, Trung tâm Lưu chiểu điện tử và Hỗ trợ báo chí (Cục Báo chí) tổ chức chương trình khóa tập huấn Bản hướng dẫn "Quấy rối tình dục trong truyền thông – Nhận biết ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên".

Trong lĩnh vực truyền thông, quấy rối tình dục là một vấn nạn phổ biến toàn cầu. Một cuộc khảo sát năm 2013-2014 cho thấy: 48% nhà báo nữ từng trải qua một số hình thức bị quấy rối tình dục trong công việc; 83% thừa nhận rằng họ không tố cáo những hành vi này.

Cũng theo một nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế, đa số nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ (tỉ lệ 78,2%) và ở độ tuổi từ 18 đến 30.

Phần lớn nạn nhân chỉ bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp khi họ bị quấy rối nghiêm trọng trong thời gian dài.

Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia cao cấp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tháng 5/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng đưa vào nội quy của mình.

Mặc dù vậy, đây vẫn chỉ được xem là một trong những điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, còn việc áp dụng chưa thực sự mang lại nhiều hiệu quả.

Phải đến mới đây, trong Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua, quy định cụ thể hơn cho hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các biện pháp xử lý mới được đề cập.

Cụ thể, theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động sửa đổi quy định: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là các hành vi có bản chất tình dục của bất cứ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Trong trường hợp bị quấy rối tình dục, pháp luật lao động mới cho phép người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước (điểm d, Khoản 2, Điều 35).

Cũng để bảo vệ người lao động, đặc biệt là lao động nữ, Bộ luật Lao động lần này đã đưa phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trình tự, thủ tục xử lý hành vi vi phạm phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc là một nội dung của nội quy lao động (điểm d, Khoản 2, Điều 118).

Đặc biệt, người lao động thực hiện hành vi quấy rối tình dục trong phạm vi nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải (Khoản 2, Điều 125).

Bên cạnh đó, khi thực hiện những hành vi tồi tệ nhất của quấy rối tình dục như cưỡng dâm, hiếp dâm thì người lao động còn có thể bị xử lý hình sự.

Theo bà Hồng, đây được xem là giải pháp thiết thực và là sự tiến bộ của pháp luật để tạo tâm lý ổn định, thoải mái khi làm việc cho người lao động. Dù vậy, chuyên gia này cũng lưu ý, không nên làm trầm trọng hóa vấn đề khi xảy ra hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, từ đó tạo ra môi trường làm việc an toàn, thoải mái, thúc đẩy sự đoàn kết trong cơ quan.

Trên thực tế, tại nơi làm việc, vị thế chủ động, có tính quyết định thường không phải là người lao động, ngược lại người lao động luôn ở thế yếu và thường là bị sa thải hơn, nên những quy định vẫn còn khó đi vào cuộc sống.