22:59 26/10/2009

Quốc hội “cực chẳng đã” mới dùng máy tính ngoại

Hoài Phương

Thêm một góc nhìn về việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam từ một đại biểu Quốc hội

Không nhiều đại biểu Quốc hội sử dụng máy tính xách tay tại hội trường như đại biểu Dương Trung Quốc.
Không nhiều đại biểu Quốc hội sử dụng máy tính xách tay tại hội trường như đại biểu Dương Trung Quốc.
Câu chuyện về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giữa VnEconomy với nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bắt đầu từ những chiếc máy tính cá nhân vừa được trang bị cho tất cả đại biểu.

Ông Quốc “khoe” chiếc máy tính “rất xịn”, hiệu HP, do Singapore sản xuất. Nhưng, Quốc hội “cực chẳng đã” mới phải dùng hàng ngoại như vậy, vì “đẳng cấp” mặt hàng trong nước còn thấp và chắc chắn là hiệu quả sử dụng do vậy cũng thấp hơn, ông Quốc nhấn mạnh.

Theo ông, chủ trương vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là rất đúng. Bởi lẽ sẽ đánh thức ở các doanh nghiệp và người tiêu dùng ý thức mọi hoạt động của mình đều có mục tiêu. Và trong mục tiêu ấy không thể quên lợi ích quốc gia, dân tộc.

“Điều đó không có nghĩa là chúng ta trở lại tinh thần của đầu thế kỷ trước, khi người ta muốn thúc đẩy tinh thần yêu nước bằng cách dùng hàng Việt để tẩy chay hàng nước ngoài, mà ở đây là sự quan tâm đến thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp”, nhà sử học nhấn mạnh.

Như vậy là ông đánh giá cao sự cần thiết và tính kịp thời của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

Đúng vậy, chúng ta có thị trường trong nước rất lớn nhưng chưa quan tâm đúng mức. Nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa thường trực trong đầu mình lợi ích quốc gia.

Về thời điểm thì tôi cho là kịp thời, vì không ít người dân đang có xu hướng hướng ngoại. Còn doanh nghiệp thì có hai khuynh hướng. Hoặc là làm giả - làm ẩu, hoặc làm tốt thì đều xuất khẩu hết, trong khi chúng ta nhập rất nhiều hàng nước ngoài vào Việt Nam.

Tôi nhớ cách đây gần một thế kỷ, khi ông Lương Văn Can đưa ra 9 yếu kém của doanh nhân Việt Nam, thì một trong 9 điểm đó là “khinh hàng nội hóa”.

Lâu nay, doanh nghiệp cũng rất ít khi thuyết phục người dân về chất lượng sản phẩm nên người dân mất lòng tin về sản phẩm trong nước. Vậy nên chủ trương đúng rồi thì vấn đề còn lại là bên cạnh biện pháp về tinh thần, cần có biện pháp liên quan đến kỹ năng. Ví như việc mang hàng hóa đến với nông dân. Ở rất nhiều lĩnh vực, nếu chúng ta làm tốt thì hàng Việt Nam hoàn toàn không thua kém hàng ngoại.

Ý ông là tâm lý hướng ngoại không phải bắt đầu từ người dân?

Đương nhiên rồi. Tôi có thể nói ngay như giáo dục đang là vấn đề nóng bỏng. Nhưng dường như chúng ta mới đang nhìn nó ở ý nghĩa cao siêu, mà quên mất nó cũng là thị trường, là nguồn lực xã hội. Vì thế đã bỏ bê hoàn toàn thị trường này.

Biết bao nhiêu người có tiền có của đều đổ ra nước ngoài học, mà nước ngoài chưa chắc chất lượng đã cao. Trong khi trong nước không tạo ra điều kiện để thu hút nguồn nhân lực và có thể thu phí.

Tôi đã nghe mọi người nói, giá như Nhà nước có quy định các quan chức không được gửi con ra nước ngoài học và đi chữa bệnh nước ngoài thì chắc chắn tình hình giáo dục và y tế trong nước sẽ được cải thiện rất nhiều. Đi học hay đi chữa bệnh ở nước ngoài cũng là dùng hàng nước ngoài chứ.

Ông đang đề cao tính gương mẫu trong triển khai thực hiện cuộc vận động này?

Tính gương mẫu hết sức quan trọng, nhất là với người phương Đông. Ngày xưa cụ Hồ không phải không có quyền dùng sản phẩm tốt, nhưng việc cụ sử dụng hàng Việt cũng là đưa ra một thông điệp: hãy nhìn vào thực tiễn đất nước còn khó khăn để khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm và sản xuất hàng trong nước.

Bây giờ thì Chính phủ cần đi trước làm gương. Ví như có những quy định bắt buộc liên quan đến việc sử dụng ngân sách Nhà nước. Nhà nước gương mẫu, nhân dân sẽ làm theo.

Tất nhiên người dân cũng có những tính toán của riêng họ, nhưng nhiều lúc họ mất phương hướng, nên chỉ làm theo thói quen là không cái gì tốt bằng hàng nước ngoài. Vì thế nên rất nhiều người bị lừa. Vậy nên, cuộc vận động này không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn giúp làm thay đổi tập tính của người tiêu dùng.

Tôi nghĩ người dân nào cũng muốn mang lại lợi ích cho đất nước và tự hào về sản phẩm của dân Việt Nam. Và hiệu quả của cuộc vận động này không chỉ tạo ra hiệu quả là bán được một số lượng hàng hóa nào đó, mà quan trọng là việc sử dụng hàng hóa đó sẽ còn mang lại cả lợi ích vật chất và tinh thần.

Xin lỗi được hỏi ông một câu cá nhân. Ông có thích dùng hàng nội không?

Nhu cầu của tôi rất đơn giản, và trên thực tế tôi vẫn có thói quen lựa chọn hàng Việt. Trên người tôi có lẽ toàn hàng Việt Nam. Trà, cà phê tôi không bao giờ dùng của nước ngoài. Tôi nghĩ, nên bắt đầu từ những cái nho nhỏ đó cho đến những cái lớn hơn.