18:00 13/04/2016

Quốc hội Mỹ ra báo cáo về biển Đông

An Huy

Báo cáo trên nói Trung Quốc đã bồi lấp trái phép khoảng 1.215 hectare đất tại 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa

Hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: EPA.
Hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: EPA.
Hoạt động bồi lấp của Trung Quốc trên biển Đông có thể đã phá hủy các rặng san hô, gây thiệt hại cho nguồn tài nguyên hải sản, và vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường - một báo cáo được chuẩn bị cho Quốc hội Mỹ nhận định.

“Quy mô và tốc độ các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông, sự đa dạng sinh học của khu vực, và tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa đối với hệ sinh thái của khu vực đã khiến hành động của Trung Quốc trở nên đặc biệt đáng lo ngại”, hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo ngày 12/4 của Ủy ban Rà soát Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ.

Báo cáo trên nói Trung Quốc đã bồi lấp trái phép khoảng 1.215 hectare đất tại 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong thời gian từ tháng 12/2013-10/2015.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh tòa án trọng tài quốc tế tại The Hague, Hà Lan chuẩn bị ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines nhằm vào các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc trên Biển Đông. Báo cáo cho rằng Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường biển được quy định trong Công ước Quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Theo báo cáo, tàu hút cát của Trung Quốc đã đổ cát và sỏi lên khoảng 13 km2 rặng san hô, phá hủy những rặng san hô bên dưới. Ngoài ra, tàu hút cát của Trung Quốc còn khuấy đảo cát và bùn, khiến các chuỗi san hô bị hư hại và không tiếp xúc được với ánh sáng mặt trời để có thể tồn tại.

Chưa kể, cát và sỏi mà tàu hút cát của Trung Quốc dùng để bồi lấp đảo nhân tạo còn làm chết cá và đẩy các đàn cá ra khỏi các rặng san hô. Điều này có thể gây thiệt hại cho hoạt động đánh bắt cá tại các khu vực ven bờ, theo báo cáo.

Trung Quốc vẫn nói rằng nước này cần xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở biển Đông để bảo vệ các đảo này. Theo Bloomberg, Trung Quốc đã xây dựng cơ sở radar, đường băng, và hải đăng cùng nhiều công trình khác tại các đảo nhân tạo trên biển Đông. Nước này nói việc xây dựng công trình đèn hải đăng là nhằm hỗ trợ hoạt động cứu hộ trên biển và thu thập dữ liệu khí tượng.

Hồi tháng 5, Vụ trưởng Vụ Biên giới và Hải sự thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói dự án xây đảo nhân tạo của nước này trên biển Đông “dựa trên các đánh giá khoa học”.

Nhưng theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, đến nay, Trung Quốc chưa hề công bố đầy đủ thông tin về đánh giá tác động môi trường của dự án này.