11:56 17/11/2016

Quốc hội nghiêm khắc phê phán ông Vũ Huy Hoàng

Nguyên Vũ

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề cập đến trường hợp ông Vũ Huy Hoàng

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu tới Chính phủ đề xuất xử lý theo quy định pháp luật với tổ chức, cá nhân sai phạm.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu tới Chính phủ đề xuất xử lý theo quy định pháp luật với tổ chức, cá nhân sai phạm.</span>
Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sáng 17/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề cập đến trường hợp ông Vũ Huy Hoàng.

Chủ tịch nói rõ, ông Vũ Huy Hoàng đã được Quốc hội nhiệm kỳ khoá 13 phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 và Quốc hội 13 đã miễn nhiệm tại kỳ họp thứ 11. Qua ý kiến của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội với sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng thời gian qua, Quốc hội nghiêm khắc phê phán, và cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong kiểm tra, giám sát và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc xử lý những vụ việc tương tự. 

Chủ tịch đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu tới Chính phủ đề xuất xử lý theo quy định pháp luật với tổ chức, cá nhân sai phạm. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý cán bộ sai phạm trong thực thi công vụ ngay sau khi về hưu mới phát hiện sai phạm.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân có 20 phút trả lời các chất vấn được đại biểu Quốc hội nêu từ chiều hôm trước.

Trong 18 chất vấn, có một số câu hỏi nêu sự việc cụ thể và chất vấn thẳng vào trách nhiệm của Bộ Nội vụ.

Đại biểu  Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói, dư luận có nêu một trong những vụ việc rất tày đình khi thiết kế đường Quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu có một vị thứ trưởng Bộ Xây dựng đã dùng ảnh hưởng của mình để chuyển toàn bộ dự án cho công ty sân sau do người nhà đứng trụ sở tại nhà riêng của mình .

Đại biểu Nhưỡng chất vấn trong những vụ việc như thế này thì vai trò của Bộ Nội vụ như thế nào, có phối hợp với bộ, ngành khác để đôn đốc, để xử lý hay không? 

Ông cũng chuyển câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã xử lý vụ việc này với cán bộ sai phạm đến đâu?

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam)  nói, vụ Trịnh Xuân Thanh là chuyện tày trời, một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được chuyện tày đình như đã được kết luận. 

Đại biểu Minh chất vấn Bộ trưởng nguyên nhân cốt lõi, trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ đối với việc này, từ chuyện tặng thưởng Huân chương Anh hùng lao động khi ông này còn ở doanh nghiệp xây lắp dầu khí, được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển về làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, cũng như công tác quản lý cán bộ như thế nào để ông này khi bị khởi tố ra đi một cách êm ả, nhưng đủ chấn động dư luận trong thời gian qua. 

Đại biểu Minh còn đề nghị Bộ trưởng cho biết hiện nay có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường "tiểu ngạch", không chính hiệu kiểu như ông Trịnh Xuân Thanh? Cho biết có văn bản nào quy định về kiểu luân chuyển này không? Thực tế của tình hình này hiện nay ra sao và giải pháp xử lý trong thời gian tới? 

Đại biểu Minh cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an trả lời trước dư luận về trách nhiệm của Bộ trong việc theo dõi, giám sát, quản lý đối tượng để ông Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi rồi phải phát lệnh truy nã kiểu "con voi chui lọt lỗ kim" gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Đại biểu  Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nêu thực tế, Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ quy định thẩm quyền của Quốc hội về bầu, phê chuẩn các chức danh cao cấp của nhà nước lấy phiếu tín nhiệm, ủy nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Lúc xem xét nhân sự này, Quốc hội không phát hiện vi phạm gì hết. Nhưng sau này các chức danh đó bị kỷ luật hoặc bị vi phạm pháp luật thì không thấy Quốc hội có động thái gì, bởi lẽ các luật này không quy định.

 Theo Bộ trưởng, trường hợp như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật như vậy thì phía Quốc hội nên có động thái gì không và với vai trò của Bộ trưởng có thể tham mưu, kiến nghị giúp cho Quốc hội thực hiện động thái theo trình tự, thủ tục và quy trình nào? đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng xin trả lời theo nhóm vấn đề chứ không trả lời từng chất vấn cụ thể. Sau đó ông cầm văn bản chuẩn bị sẵn đọc liền một mạch. 

Với chất vấn của đại biểu Nhưỡng, Bộ trưởng trân trọng đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời. Còn các chất vấn sau đều không có hồi âm cụ thể. Bộ trưởng chỉ nói chung là nhận trách nhiệm về những thiếu sót trong công tác cán bộ, khiến dư luận bức xúc.

Và tất cả những vấn đề cụ thể nêu trên đều không có câu trả lời. 

Đại biểu Ngô Văn Minh giơ biển tranh luận, ông nói chất vấn của ông được cử tri quan tâm  và đại biểu chia sẻ nhưng Bộ trưởng không đề cập gì trong phần trả lời.

Ông Minh cũng nhắc lại đề nghị Bộ trưởng Công an trả lời lại sao lực lượng công an tinh nhuệ xuât sắc mà cứ mỗi lần tham nhũng lớn là đối tượng bị tru tố bỏ trốn ra đi êm ái thì ai chấp nhận được.

Cử tri còn chia sẻ là trong danh sách Interpol chưa có ông Trịnh Xuân Thanh, đề nghị phải trả lời nếu không gây bức xúc trong cử tri, ông Minh nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời đại biểu Minh bằng văn bản và đề nghị Bộ Công an cũng có báo cáo về các trường hợp đang theo dõi mà đã bỏ trốn vừa rồi.