16:10 27/11/2024

Quốc hội phê duyệt hơn 122.000 tỷ đồng cho phát triển văn hóa trong 5 năm

Nhật Dương

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trong giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng, theo Nghị quyết mới thông qua của Quốc hội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 27/11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

TIẾP TỤC CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH ĐỂ ƯU TIÊN HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH

Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2025 - 2030, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035.

Về nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình, đó là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước, nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.

Bao gồm: (i) Các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; (ii) Các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa; (iii) Các nhiệm vụ về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; (iv) Hỗ trợ các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn.

Nguyên tắc hỗ trợ của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện Chương trình: Ngân sách trung ương ưu tiên hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, đặc biệt là các địa phương miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên.

Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, chỉ hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho một số nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc, tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương, cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định pháp luật hiện hành.

Căn cứ tổng mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ (bao gồm cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phân bổ, bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.

XÁC ĐỊNH TỶ LỆ VỐN ĐỐI ỨNG PHÙ HỢP VỚI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Báo cáo tóm tiếp thu, giải trình trước Quốc hội về dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, cho biết về vốn ngân sách địa phương, có ý kiến cho rằng nhiều địa phương gặp khó khăn trong bố trí vốn đối ứng, đề nghị xây dựng nguyên tắc đối ứng linh hoạt hơn, quan tâm hỗ trợ các địa phương này. Có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ hỗ trợ của trung ương, giảm tỷ lệ đối ứng của địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo quy định của Luật Đầu tư công, sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình. Trong đó sẽ tính đến sự khác biệt giữa các địa phương tham gia Chương trình và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định tỷ lệ đối ứng phù hợp.

Về nguồn vốn khác, có ý kiến băn khoăn về nội hàm của nguồn vốn khác và cho rằng tổng nguồn vốn khác đề ra tại Chương trình chiếm tỷ lệ 12,4% còn cao, thiếu tính khả thi đối với các địa phương còn khó khăn.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nguồn vốn khác huy động thực hiện Chương trình bao gồm nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án, vốn huy động thông qua chính sách thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (tiền, hiện vật, ngày công lao động), và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

Tỷ lệ 12,4% là tỷ lệ trung bình trong cả nước. Đối với những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là địa phương phát triển công nghiệp văn hóa, tỷ lệ sẽ đạt cao hơn. Đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có thể huy động sự đóng góp của người dân bằng ngày công, hiện vật…

“Khi Chương trình thực hiện hiệu quả, hoạt động của Chương trình sẽ mang lại lợi ích cho chính cộng đồng, thu hút sự đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nói.

Về dự kiến kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn, ông Vinh cho biết có ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá khả năng bố trí ngân sách và giải ngân vốn năm 2025.

Theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Chương trình dự kiến bố trí vốn năm 2025 là 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 150 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 250 tỷ đồng/63 tỉnh, thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, số vốn này hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối của ngân sách.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của Nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân...