Quốc hội thảo luận tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác quy hoạch
Ngày 30/5, Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch...
Theo chương trình làm việc, sáng nay, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Trước đó, ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Chính phủ chuyên đề nhằm rà soát lại công việc liên quan đến Luật Quy hoạch và hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành".
Tại cuộc họp, các báo cáo, ý kiến đánh giá việc thực hiện Luật Quy hoạch, triển khai lập các quy hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, với các chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt tới các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết và tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 2 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo.
Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là về thể chế. Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 7 luật, 1 pháp lệnh, 2 nghị quyết. Trong đó, có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch (luật số 28/2018/QH14); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (luật số 35/2018/QH14); Nghị quyết số 751 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Chính phủ đã ban hành 42 nghị định, các bộ ban hành 95 thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 26 đợt tập huấn cấp liên vùng, vùng, địa phương để triển khai Luật Quy hoạch…
Tuy nhiên, các ý kiến tại phiên họp cũng khẳng định, trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc cả trong các quy định tại Luật Quy hoạch; các luật, pháp lệnh liên quan về quy hoạch.
Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; đặc biệt những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Trong đó, việc xem xét, thông qua Luật Quy hoạch đã được xem xét kỹ lưỡng nhưng một số quy định vẫn chưa bắt kịp thực tiễn, chưa đánh giá được hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Theo các đại biểu, thực tế từ năm 2011-2021, chỉ có 31 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (trừ các quy hoạch xây dựng và đô thị thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị).
Còn theo Luật Quy hoạch, số lượng quy hoạch phải lập với khối lượng công việc rất lớn (111 quy hoạch), trong khi từ nay đến cuối năm 2022 chỉ còn 8 tháng với rất nhiều công việc cần giải quyết (công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng, các công việc phát sinh để xử lý các vấn đề mới, đột xuất…). Tất cả các quy hoạch đang được triển khai tích cực, song số lượng cần phê duyệt còn lại là rất lớn.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, các đại biểu cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức; đầu tư cho công tác quy hoạch (nghiên cứu, nguồn lực, phương tiện, điều kiện làm công tác quy hoạch) ở các cấp còn hạn chế…
Ngày 25/4, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này. Tại phiên họp, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong các quy định pháp luật và trong thực thi pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc, một số quy định còn bất cập. Tồn tại cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật Quy hoạch như nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia; khái niệm “tích hợp quy hoạch”; việc lập đồng thời các quy hoạch gặp khó khăn; quy định về kinh phí trong hoạt động quy hoạch chưa phù hợp; chưa quy định thời hạn để hoàn thành các quy hoạch. Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm và còn bất cập.
Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch còn bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ như một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất còn chưa thống nhất về phạm vi, đối tượng dẫn đến sự thiếu đồng bộ về nội dung của các loại quy hoạch này trên cùng một đơn vị lãnh thổ.
Một số Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn không đúng thẩm quyền, chưa thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, thêm thủ tục, trình tự hoặc thêm nội dung ngoài Luật gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch.
Liên quan đến thực thi pháp luật, lực lượng tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về số lượng, khó lựa chọn được tư vấn có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm; một đơn vị tư vấn tham gia lập đồng thời nhiều quy hoạch có thể dẫn đến không bảo đảm chất lượng. Việc lựa chọn tư vấn còn gặp khó khăn do thủ tục đấu thầu phức tạp. Mặt khác, từ nay đến cuối năm 2022 thời gian không còn nhiều, số lượng quy hoạch dự kiến được trình Hội đồng thẩm định rất lớn có thể dẫn đến tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định.
Ngoài ra, cũng tồn tại bất cập trong quá trình thực thi liên quan đến quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong tỉnh; việc chấp hành thực hiện quy hoạch sử dụng đất chưa nghiêm, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn xảy ra.
Cùng với đó, việc thay thế các quy hoạch bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý nhà nước còn bất cập do các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành chưa được ban hành đầy đủ.
Ngày 27/5, báo cáo giám sát chuyên đề này đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Với các giải pháp cần triển khai ngay, Đoàn giám sát kiến nghị cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.