Quý 1/2022, FPT báo lãi trước thuế 2.121 tỷ đồng
Với kết quả trên, FPT đã thực hiện được lần lượt 22,3% kế hoạch doanh thu và 23,4% kế hoạch lợi nhuận năm...
Công ty Cổ phần FPT (mã FPT-HOSE) thông báo kết quả kinh doanh quý 1/2023
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 11.681 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.121 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,1% và 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS đạt 1.361 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 19,8% so với năm trước.
FPT cũng cho biết kết quả kinh doanh theo từng mảng: Cụ thể:
Dịch vụ CNTT nước ngoài tăng trương cao trên 30%: Khối Công nghệ - bao gồm Dịch vụ CNTT trong nước và Dịch vụ CNTT nước ngoài tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 59% doanh thu và 43% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn, đạt 6.843 tỷ đồng và 906 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21,3% và 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu Dịch vụ CNTT tại nước ngoài đạt 5.435 tỷ đồng, tăng 32,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 889 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt thị trường Nhật Bản tăng 31,2% so với cùng kỳ; châu Á - Thái Bình Dương tăng 65,7%, nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số tăng cao. Doanh thu chuyển đổi số đạt 2.103 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ, khẳng định năng lực cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hiệu quả, toàn diện của Tập đoàn.
Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài cũng ghi nhận doanh thu ký mới đạt 10.165 tỷ đồng, tăng trưởng 44,1% so với năm trước. Nhờ những nỗ lực đầu tư vào nguồn nhân lực, năng lực công nghệ lẫn mở rộng hiện diện trên 29 quốc gia trên toàn cầu, số lượng khách hàng đóng góp doanh thu trên 1 triệu USD đạt 48 khách hàng, tăng trưởng 54,8% so với cùng kỳ.
Tháng 4 vừa qua, FPT vừa mở Trung tâm chiến lược phần mềm tại thành phố Nam Ninh nhằm đẩy mạnh việc phát triển và cung cấp các giải pháp công nghệ đẳng cấp trong lĩnh vực Công nghệ ô tô và Sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc và trên toàn cầu, đồng thời phát triển tệp khách hàng mới trong các lĩnh vực khác như tài chính - ngân hàng, chăm sóc sức khỏe.
Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường trong nước cho thấy sự phục hồi so với 2 tháng đầu năm, đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 1.407 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, giảm 8% và 80,6% so với cùng kỳ.
Theo FPT, thị trường trong nước gặp trở ngại ngắn hạn trong quý 1 do khối doanh nghiệp còn gặp khó khăn, dẫn đến sụt giảm nhu cầu đầu tư cho CNTT. Công ty tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ, tỉnh thành, bộ ban ngành, khối doanh nghiệp nước ngoài và các ngành kinh tế ít bị ảnh hưởng nhằm đảm bảo tăng trưởng. Cũng trong quý 1/2023, FPT đã triển khai thành công Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho Thành phố Hà Nội và cổng thông tin xúc tiến đầu tư cho tỉnh Khánh Hòa.
Khối Viễn thông và Giáo dục tiếp tục đà tăng trưởng bền vũng: Doanh thu khối Viễn thông tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.790 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 3,2%, đạt 724 tỷ đồng. Lợi nhuận khối Viễn thông tăng trưởng thấp chủ yếu do sụt giảm nhu cầu mảng Quảng cáo Trực tuyến.
FPT cho biết, nhu cầu giáo dục ngành công nghệ thông tin tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy doanh thu của mảng Giáo dục của FPT tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.412 tỷ đồng.
Năm nay, cổ đông FPT đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2023 tăng 18,2% so với kết quả năm 2022, đạt 52.289 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 9.055 tỷ đồng, tăng 18,2% so với mức thực hiện năm 2022.
Như vậy, với kết quả trên, FPT đã thực hiện được lần lượt 22,3% kế hoạch doanh thu và 23,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/4, giá cổ phiếu FPT giảm nhẹ xuống 79.300 đồng/cổ phiếu.