16:50 04/06/2007

Quỹ đầu tư nước ngoài thật sự lũng đoạn thị trường?

TS. Phan Minh Ngọc

Lời cáo buộc này có chính xác và hợp lý không? Sẽ là thiếu thận trọng và có đôi chút thiên kiến khi nói như vậy

Nhà đầu tư tại sàn Hà Nội - Ảnh: Mạnh Thắng.
Nhà đầu tư tại sàn Hà Nội - Ảnh: Mạnh Thắng.
Không ít lần chúng ta thường được nghe những buộc tội từ những người trong cuộc (nhà đầu tư trong nước, quan chức Chính phủ, các chuyên gia và những nhà quan sát) rằng các quỹ đầu tư nước ngoài với tiềm lực vượt trội về vốn, kinh nghiệm, kiến thức, và cả “thủ đoạn” đang lũng đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam, lèo lái thị trường theo chiều hướng có lợi cho họ.

Lời cáo buộc này có chính xác và hợp lý không? Sẽ là thiếu thận trọng và có đôi chút thiên kiến khi nói như vậy.

Thứ nhất, xét về quy mô của các quỹ, cho dù họ có lớn đến thế nào chăng nữa nhưng tổng cộng lại, họ không thể nắm giữ quá tỷ lệ sở hữu nắm giữ được phép bởi người nước ngoài (hạn mức thường là 30% tổng số cổ phiếu của một doanh nghiệp).

Với tỷ lệ nắm giữ không phải là chi phối trên thị trường chứng khoán như vậy thì không thể kết luận một cách chắc chắn rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang nằm trong bàn tay nhào nặn của các quỹ đầu tư/cơ nước ngoài.

Nếu suy luận tương tự như những người cáo buộc các quỹ nước ngoài thì có thể đặt vấn đề ngược lại rằng chính các nhà đầu tư trong nước, với tỷ lệ nắm giữ sở hữu áp đảo trên thị trường, được dẫn dắt bởi tâm lý bầy đàn, mới là những người đang lũng đoạn, chi phối và quy định diễn biến của thị trường.

Thứ hai, và quan trọng hơn, các quỹ nước ngoài chỉ có thể lũng đoạn thị trường được một khi họ liên kết ngầm với nhau để tạo thành một lực lượng thống nhất đủ sức mạnh để thông đồng “làm giá” theo hướng có lợi cho họ.

Để có thể hình dung rõ nét hơn, hãy liên hệ đến những sự kiện các doanh nghiệp trong một ngành nào đó thông đồng với nhau để giữ mức giá độc quyền mà đã được phanh phui và đưa ra xử lý ở đâu đó trên thế giới vì đã vi phạm luật chống độc quyền.

Nếu không có những “liên minh ma quỷ” giữa những quỹ nước ngoài thì mỗi một quỹ sẽ có những chiến lược hành động riêng biệt và do đó tham gia trên thị trường theo cách thức mà nó cho rằng tối ưu nhất theo những phân tích và tính toán nội bộ.

Kết cục hoàn toàn có thể là quỹ nước ngoài hành động trái ngược nhau, tức là trong khi quỹ này đang mua một cổ phiếu nào đó thì quỹ khác lại bán cổ phiếu này ra, bởi mỗi quỹ sẽ có một chiến lược hành động và tính toán riêng. Và như vậy thì không thể nói rằng thị trường đang bị lũng đoạn bởi các quỹ nước ngoài.

Ở Việt Nam, cho đến nay có lẽ chúng ta chưa từng nghe đến, hoặc chưa có bất cứ một phát hiện hay điều tra nào, về chuyện các quỹ nước ngoài có lập “liên minh ma quỷ” với nhau để làm giá trên thị trường hay không. Nhưng có lẽ chẳng cần đến một cuộc điều tra nào như vậy cũng có thể nghĩ rằng chuyện liên minh giữa các quỹ này hầu như là điều không tưởng, vì nhiều lý do.

Trong chừng mực khó hoặc chưa có một bằng chứng như vậy, hãy nên coi các quỹ đầu tư nước ngoài về bản chất chỉ như bất kể một nhà đầu tư trong nước nào khác, dù là cá nhân hay tổ chức, hành động làm sao để tối đa hóa lợi nhuận cho số vốn bỏ ra, theo những điều kiện quy định trên thị trường (tức là không thể đánh bại được, mà phải chấp nhận điều kiện của, thị trường).