06:00 22/03/2023

Quy định mới về đăng kiểm ô tô: Miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới, giãn chu kỳ kiểm định xe

Anh Tú

Sau một tháng khẩn trương lấy ý kiến, Thông tư số 16/2021 sửa đổi chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 22/3 với nhiều điểm điều chỉnh mới. Theo đó, bắt đầu từ hôm nay, xe cơ giới chưa qua sử dụng sẽ miễn kiểm định lần đầu; đồng thời, điều chỉnh chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới...

Hơn 3 triệu ô tô được giãn chu kỳ kiểm định thời gian tới.
Hơn 3 triệu ô tô được giãn chu kỳ kiểm định thời gian tới.

Bộ Giao thông vận tải chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 22/3 với sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục trong tổng cộng 18 điều và 19 phụ lục của thông tư cũ.

Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng cho phép Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 16 theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết vấn đề cấp cách phát sinh trong thực tiễn hiện nay. 

HAI NỘI DUNG ĐÁNG CHÚ Ý

Tại thông tư này có hai nội dung đáng chú ý.

Một là, miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng.

Điều kiện của phương tiện để được áp dụng quy định này là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ, sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.

Theo đó, sau khi đăng ký xe, chủ phương tiện không cần đưa xe đến các trung tâm đăng kiểm nhưng vẫn cần mang giấy đăng ký xe, bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước, bản cà số khung, số động cơ của xe đến các trung tâm này để lập hồ sơ phương tiện, nhận giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nhận tem kiểm định xe và nộp phí sử dụng đường bộ.

Hai là, thông tư mới ban hành đã điều chỉnh chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới.

Cụ thể, đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng.

Thời gian sản xuất đến 7 năm, chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng.

Thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm): chu kỳ giữ nguyên 12 tháng. Thời gian sản xuất trên 20 năm, chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.

Ô tô chở người các loại trên 9 chỗ, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng. Thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định tăng từ 6 tháng lên 12 tháng. Thời gian sản xuất trên 5 năm chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.

Nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.

Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dự thảo mới nhất ngoài việc sẽ đưa vào quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng, có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định thì sẽ tính toán việc điều chỉnh chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông.

Theo đó, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, đối với xe sản xuất đến 7 năm, chu kỳ đầu thay đổi tăng lên 36 tháng (trước đây 30 tháng); chu kỳ định kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng, trước đây là 18 tháng).

Xe sản xuất trên 7 - 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 12 tháng, thời gian sản xuất trên 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 6 tháng. 

NHIỀU LOẠI XE KHÔNG ĐƯỢC GIÃN CHU KỲ KIỂM ĐỊNH

Trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo và Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia; căn cứ tốc độ phát triển phương tiện ô tô cá nhân cũng như tốc độ hoàn thiện, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước; với tinh thần thúc đẩy ý thức trách nhiệm của người dân đối với chính tài sản và sự an toàn sức khỏe, tính mạng của bản thân.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam và các quốc gia có thương hiệu ô tô lưu hành phổ biến tại nước ta như tại Nhật Bản và Hàn Quốc, phương tiện ô tô chiếm khoảng trên 70% tổng số lượng phương tiện. 

Hai nước này đang áp dụng chu kỳ kiểm định sau lần đầu tiên với xe con là 2 năm. Với đề xuất mới, chu kỳ kiểm định xe con sản xuất dưới 7 năm tại Việt Nam sẽ tương đương hai nước này. 

 

Dự kiến có hơn 500 nghìn ô tô được miễn kiểm định lần đầu và hơn 3 triệu ô tô được giãn chu kỳ kiểm định thời gian tới.

Lý giải việc không kéo dài thời hạn kiểm định với xe gia đình, xe cá nhân sản xuất trên 7 năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết Việt Nam chưa có các quy định về niên hạn phụ tùng, phí môi trường, bảo dưỡng với xe cũ nên phương tiện cũ lưu hành khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Còn đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định bởi đây là loại xe có cường độ, tần suất hoạt động lớn, vận tải chở khách nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn.

Với xe kinh doanh vận tải, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam dẫn chứng kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy đều đang kiểm soát chặt chẽ, thậm chí siết chặt đăng kiểm hơn Việt Nam vì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Sở dĩ phải giữ chu kỳ kiểm định 3 tháng bởi các loại xe được áp dụng đa số là xe khách đã cũ nát sử dụng ở thành phố sau đó đưa về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để hoạt động chở người, chở công nhân, học sinh vô cùng nguy hiểm mà nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh thời gian qua.

"Việc giữ chu kỳ kiểm định này để kiểm soát chặt chẽ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, vì mục tiêu an toàn của người dân", Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải.

 

Nhằm củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị tập trung, khẩn trương sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (theo trình tự, thủ tục rút gọn).

Trong đó, tách bạch công tác quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương; hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí của xã hội; đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.