Quỹ ETF có thông tư riêng
Ngoài việc giải thích khá nhiều liên quan đến ETF, dự thảo thông tư cũng hướng dẫn chi tiết từ việc thành lập cho đến niêm yết
Sau hơn 1 tháng tổ chức hội thảo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức đưa dự thảo về Thông tư Hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục (gọi tắt là Quỹ ETF) lấy ý kiến rộng rãi của các thành viên thị trường.
So với dự tính ban đầu chỉ là một chương trong Dự thảo Thông tư về hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, thì trong bản dự thảo này, ETF đã có hẳn một thông tư riêng.
Ngoài việc giải thích khá nhiều định nghĩa mới liên quan đến ETF, dự thảo thông tư cũng hướng dẫn chi tiết từ việc thành lập cho đến niêm yết, giao dịch chứng chỉ quỹ ETF và giải thể Quỹ ETF... Điều đáng ghi nhận là Dự thảo Thông tư cũng đã tiếp thu và làm rõ khá nhiều ý kiến thắc mắc và băn khoăn của thành viên thị trường đưa ra trong hội thảo về ETF cách đây 1 tháng.
Chẳng hạn như đối với việc chào bán chứng chỉ quỹ, huy động vốn thành lập quỹ ETF, quy định cũng ghi rõ phải bảo đảm 5 tiêu chí: đợt chào bán lần đầu phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán; tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán; có tối thiểu 2 thành viên lập quỹ; công ty quản lý quỹ không bị đặt trong tình trạng kiểm soát hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động; hoặc đang trong quá trình thanh lý, giải thể, phá sản; công ty quản lý quỹ không đang trong tình trạng bị xử phạt các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán mà chưa thực hiện đầy đủ các chế tài và biện pháp khắc phục theo quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán; mỗi nhà đầu tư, thành viên lập quỹ đăng ký mua tối thiểu 1 lô đơn vị quỹ.
Nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu tại các Quỹ ETF. Điều này cũng đã lý giải một số băn khoăn của một số thành viên về cơ chế để nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tham gia mua chứng chỉ Quỹ ETF khi phát hành sơ cấp, thay vì chỉ là thứ cấp.
Đại diện của Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết, quyền của nhà tạo lập quỹ là AP với 2 nghiệp vụ là môi giới và tự doanh. Đối với sơ cấp, nhà đầu tư có thể thực hiện qua các AP nhưng khối lượng và giá trị phải tối thiểu 1 triệu đơn vị, điều đó có nghĩa là gần như giao dịch tại sơ cấp phải là nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư tham gia sơ cấp với điều kiện khối lượng giao dịch, phí...
Đối với việc chào bán, phân phối các lô ETF và sự tham gia của nhà đầu tư, dự thảo quy định khá rõ. Việc chào bán các lô ETF chỉ được thực hiện sau khi Ủy ban Chứng khoán cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán. Công ty quản lý quỹ, thành viên lập quỹ, đại lý phân phối phân phối các lô ETF một cách công bằng, công khai. Thành viên lập quỹ được đăng ký tham gia góp vốn thành lập Quỹ ETF trực tiếp với công ty quản lý quỹ.
Nhà đầu tư chỉ được đăng ký góp vốn thành lập Quỹ ETF thông qua đại lý phân phối hoặc thành viên lập quỹ nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Việc tham gia góp vốn thành lập Quỹ ETF của các thành viên lập quỹ, nhà đầu tư được thực hiện bằng danh mục chứng khoán cơ cấu.
Danh mục cơ cấu và số lượng các lô ETF phân phối cho thành viên lập quỹ, nhà đầu tư được xác định trên cơ sở chỉ số tham chiếu cuối ngày tại ngày giao dịch cuối cùng của đợt chào bán.
Trường hợp điều lệ quỹ có quy định và đã được công bố tại bản cáo bạch, thông báo phát hành, nhà đầu tư sử dụng các tài sản không phải là chứng khoán cơ cấu để tham gia góp vốn thành lập quỹ, thành viên lập quỹ yêu cầu nhà đầu tư hoặc thực hiện bán thanh lý các tài sản này theo ủy quyền bằng văn bản của nhà đầu tư, để mua danh mục cơ cấu góp vào quỹ.
Dự thảo cũng quy định về Danh mục và hoạt động đầu tư của Quỹ ETF. Theo đó, danh mục đầu tư của Quỹ ETF bao gồm các chứng khoán cơ cấu trong danh mục của chỉ số tham chiếu và các tài sản tài chính tại Việt Nam gồm: Tiền gửi, giấy tờ có giá, chứng chỉ tiền gửi, công cụ chuyển nhượng theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng được phát hành bởi các ngân hàng thương mại trong danh sách tín dụng đã được ban đại diện quỹ phê duyệt; trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, đô thị; tín phiếu Kho bạc Nhà nước; cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, trái phiếu niêm yết của các tổ chức phát hành hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chứng khoán phái sinh niêm yết và giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán.
Việc đầu tư vào chứng khoán phái sinh chỉ nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro và giảm mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu.
Cơ cấu danh mục đầu tư của Quỹ ETF phải phù hợp với các quy định tại điều lệ quỹ và phải bảo đảm: không đầu tư vào quá 15% tổng số chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, ngoại trừ trái phiếu chính phủ; không đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán phát hành bởi cùng một tổ chức, ngoại trừ trái phiếu chính phủ; không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau, trừ trường hợp đó là chứng khoán cơ cấu nằm trong danh mục chỉ số tham chiếu và danh mục cơ cấu; không đầu tư vào chứng chỉ của chính quỹ đó, hoặc của các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam; không được đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch của công ty đại chúng, cổ phiếu của công ty cổ phần, phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn, trái phiếu phát hành riêng lẻ;…
Chỉ số tham chiếu của quỹ ETF phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: tổ chức xây dựng và quản lý các chỉ số tham chiến là sở giao dịch chứng khoán; hoặc các tổ chức nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm và đang quản lý các bộ chỉ số tham chiếu của các quỹ ETF quốc tế; chỉ số tham chiếu phải được xây dựng trên cơ sở các chứng khoán cơ cấu đang niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam; chỉ số phải có mục tiêu cụ thể, rõ ràng, có tính đại diện cao, thể hiện đặc trưng của thị trường hoặc nhóm ngành nghề, lĩnh vực.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)