16:04 24/08/2010

Quy hoạch Hà Nội: Một vấn đề, hai quan điểm

Nguyên Thảo

Đã cận kề thời điểm trình Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (bên phải) và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (bên phải) và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn.
Đã cận kề thời điểm trình Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Nói như người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội, Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo, khi Quốc hội thảo luận về đồ án này tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, thì: "Đây là một đồ án quy hoạch lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Hà Nội trong hoàn cảnh mới được điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, mà còn đối với Thủ đô của một đất nước công nghiệp phát triển hiện đại với 100 triệu dân vào giữa thế kỉ XXI".

Cũng tại diễn đàn này, Chủ tịch Thảo đã khẳng định, trong suốt quá trình thực hiện đồ án, Hà Nội đã "sát cánh" cùng với Bộ Xây dựng, cơ quan được Chính phủ giao chủ trì tổ chức lập đồ án.

Về phía Bộ Xây dựng, cho đến tận buổi họp báo chiều qua (23/8), Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn vẫn khẳng định "đến thời điểm này, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội vẫn kết hợp chặt chẽ và tiến độ, nội dung liên quan đến đồ án vẫn đảm bảo đúng kế hoạch".

Vậy nhưng, cũng ngay tại diễn đàn đó, vị quan chức này ngạc nhiên cho rằng có thể có sự "nhầm lẫn, quan liêu" trong việc Hà Nội đề nghị không dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì.

Đề nghị này được đưa ra tại văn bản góp ý cho đồ án của UBND thành phố Hà Nội do đích danh Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng. Tại đây, không chỉ đề nghị "không nên đặt vấn đề trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì", mà Hà Nội còn khẳng định sự không cần thiết của trục Hồ Tây - Ba Vì (trục Thăng Long) tại đồ án.

Trong khi trước đó, tại diễn đàn Quốc hội, về trục Thăng Long, ông Thảo từng phát biểu: “Hà Nội chúng ta hiện có 7 trục, nhưng hiện nay để tạo nên một trục không gian kiến trúc có những điểm nhấn và nổi bật của quy hoạch và của kiến trúc thì chúng ta chưa có. Đây chính là điều kiện và cơ hội để chúng ta tạo ra được quỹ đất để thực hiện trục này. Trên cơ sở đó, dự kiến kể cả những công trình như tượng đài Độc lập”.

Một số tờ báo mạng hôm nay đã dẫn lời ông Toàn, rằng "văn bản đó không được trao đổi trước gì với Bộ Xây dựng. Còn về mặt thủ tục hành chính, thì lẽ ra nên gửi lên trao đổi với Bộ Xây dựng, chứ không nên gửi kèm lên Thủ tướng Chính phủ".

Đi vào hai nội dung đã từng vấp phải sự phản đối khá gay gắt ngay tại diễn đàn Quốc hội, ông Toàn cho rằng việc chuyển trung tâm hành chính đã không được đặt ra trước khi Hà Nội góp ý, song "nhất thiết" phải có trục  Hồ Tây - Ba Vì (trục Thăng Long).

Theo ông, không phải đến thời điểm lập quy hoạch chung Hà Nội thì trục Hồ Tây - Ba Vì mới được đặt ra. Trên thực tế, trục đường này đã được đề cập từ quy hoạch 108, được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 để phát triển phía Tây của tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

Còn quan điểm của Chủ tịch Thảo lại là, khi đã khẳng định không xây trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục này sẽ "không có ý nghĩa" về công năng và về kinh tế, chính trị, xã hội.

Mặt khác, sự "nhất thiết" phải có trục đường kết nối từ Đông sang Tây, theo Thứ trưởng Toàn, còn bởi dân số tại khu vực này sẽ lên đến 1 triệu dân, cộng với đô thị lõi 4,6 triệu dân.

Nhưng dù cũng nêu con số 1 triệu dân của phía Tây, song người đứng đầu chính quyền Thủ đô lại cho rằng định hướng giao thông khu vực này đã có trên 32 làn xe (theo Thứ trưởng Toàn thì chỉ có 28 làn) cùng với 3 tuyến đường sắt đã đảm bảo chức năng giao thông giữa thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh phía Tây. Vì thế, chức năng kết nối giao thông giữa Ba Đình và Ba Vì không còn cần thiết nữa.

Thêm nữa, nếu trục Hồ Tây - Ba Vì được hình thành, sẽ có nguy cơ không chỉ phá vỡ ý tưởng hành lang xanh, mà còn tạo cơ hội cho sự ra đời các khu đô thị bám hai bên hệ trục.

Cùng với đó, việc xác định hướng tuyến đi thẳng từ Đông sang Tây, dự kiến 6 làn xe, mặt cắt từ 100 - 300 m, có tốc độ cao trên quãng đường hơn 30km, xét theo yếu tố vật lý sẽ không đảm bảo an toàn giao thông (do ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt người điều khiển giao thông).

Một lý do nữa khiến Hà Nội nói không với trục đường này là nếu thực hiện sẽ phải di dời nhiều khu vực làng xóm, trong đó một số khu vực với hiện trạng dầy đặc các dự án đã và đang được đầu tư xây dựng.

Với những lý do như đã phân tích, quan điểm của Hà Nội là "không cần thiết phải tạo lập tuyến giao thông có quy mô lớn và đi thẳng như đề xuất của tư vấn".

Bên cạnh hai vấn đề "nóng" nói trên, tại bản góp ý dài 14 trang, UBND thành phố Hà Nội còn đưa ra kiến nghị cần nghiên cứu và làm rõ 12 vấn đề liên quan đến hành lang xanh, giải quyết tắc nghẽn giao thông, xác lập hệ thống không gian trung tâm...

Như vậy, có thể thấy rằng, tại thời điểm "hồ sơ đồ án đã cơ bản xong, đã trình hội đồng thẩm định cấp Nhà nước" như thông tin từ Thứ trưởng Toàn, thì chính quyền Hà Nội - chủ thể tiếp quản và quản lý thực hiện đồ án sau này - vẫn có những quan điểm chưa đồng nhất, thậm chí là trái ngược với Bộ Xây dựng.

Dẫn phát biểu của Chủ tịch Thảo tại diễn đàn Quốc hội về trục Thăng Long, một số tờ báo đã đưa ra bình luận, rằng chỉ trong vòng hai tháng, lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra hai quan điểm trái chiều đều về một nội dung liên quan tới đồ án quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.

Với một đồ án quy hoạch được coi là "đồ sộ" của Thủ đô, việc có nhiều quan điểm trái chiều về những nội dung cụ thể nào đó hoàn toàn không phải là bất thường. Chuyện một vị lãnh đạo nào đó thay đổi quan điểm sau khi lắng nghe những ý kiến đóng góp càng bình thường, thậm chí, còn nên coi là chuyện đáng mừng!

Điều khiến nhiều người quan tâm đến quá trình xây dựng đồ án cảm thấy băn khoăn ở đây có lẽ bắt đầu từ hai chữ "sát cánh" từng được chính hai vị lãnh đạo khẳng định, để rồi ngay sát thời điểm trình Thủ tướng phê duyệt đồ án vẫn là "một vấn đề, hai quan điểm".