10:37 30/08/2023

Quy hoạch huyện Cần Giuộc thành đô thị vệ tinh phía Nam TP.HCM

Thi Nguyễn

Cần Giuộc được quy hoạch là vùng đô thị hỗ trợ, giảm tải áp lực dân số cho TP.HCM, trở thành vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh Long An….

Cần Giuộc hội tụ các điều kiện để định hướng đi lên xây dựng thành phố trực thuộc tỉnh - Ảnh minh họa
Cần Giuộc hội tụ các điều kiện để định hướng đi lên xây dựng thành phố trực thuộc tỉnh - Ảnh minh họa

Tính đến nay, huyện Cần Giuộc có 2 đô thị (1 đô thị loại IV - thị trấn Cần Giuộc được công nhận vào năm 2015 và 1 đô thị loại V - đô thị Long Đức Đông được công nhận vào năm 2021). Với lợi thế về vị trí địa lý và kinh tế, từ năm 2017, huyện được xác định quy hoạch trở thành khu đô thị vệ tinh phía Nam (đô thị loại III) của TP.HCM.

Theo đó, tỉnh Long An đặt mục tiêu năm 2025, Cần Giuộc sẽ hình thành đô thị loại III trên phạm vi toàn huyện. Năm 2030, địa phương trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với 10 phường, 5 xã. Đồ án quy hoạch đô thị đang được hoàn thiện, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt vào quý 4 năm nay.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Cần Giuộc, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện đều duy trì ở mức trên 11%. Tuy nhiên, địa phương nhìn nhận phát triển đô thị còn gặp khó khăn, chủ yếu do nguồn đầu tư còn hạn chế, việc quản lý đất đai, xây dựng, môi trường còn chịu sức ép từ việc di dân, giãn dân của TP.HCM.

Để giải quyết, địa phương tập trung vào việc lập và triển khai các quy hoạch, nhất là sử dụng đất, phân khu đô thị. Thời gian tới, nhiều công trình trọng điểm sẽ hoàn thành, tiếp tục thúc đẩy kinh tế xã hội.

Sắp tới vào ngày 30/8, cầu Cần Giuộc vốn đầu tư 150 tỷ nối hai bờ thị trấn Cần Giuộc và xã Phước Lại sẽ khánh thành. Đây là công trình quan trọng, phá thế độc đạo của phà Tân Thanh, tạo sự thông suốt giao thông, thuận tiện luân chuyển hàng hóa, giao thương kinh tế. Các công trình khác như Đê Trường Long, quảng trường sông, phố đêm ven sông, Quốc lộ 50B đang được đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, Cần Giuộc có nhiều lợi thế để trở thành thành phố trọng điểm, vệ tinh ở khu vực phía Nam của TP.HCM. Địa phương này kết nối trực tiếp với TP.HCM qua hệ thống giao thông bộ như quốc lộ 50, đường tỉnh 826, 826C, 835B; giao thông thủy với sông Cần Giuộc kết nối sông Xoài Rạp đổ ra biển.

Để kết nối với TP.HCM, đúng định hướng thành đô thị vệ tinh, huyện đang phối hợp với đầu tàu kinh tế cả nước triển khai nhiều dự án khác như cầu kết nối xã Mỹ Lộc với huyện Bình Chánh; cầu Rạch Dơi kết nối Long Hậu với huyện Nhà Bè; đường dẫn bến phà Cần Giuộc - Cần Giờ kết nối với huyện Cần Giờ.

Giai đoạn 2021 - 2022, huyện huy động trên 679 tỉ đồng xây dựng hạ tầng, trong đó có nhiều dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông quan trọng. Cảng quốc tế Long An cũng là đầu mối giao thương hàng hóa quan trọng, thúc đẩy sự phát triển.

Song song đó, huyện đang tiếp tục quan tâm đầu tư một số công trình trọng điểm như Đê Trường Long, quảng trường sông Cần Giuộc, phố đêm cặp sông Cần Giuộc,... cũng như phối hợp các sở, ngành tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai dự án Quốc lộ 50B, đường Tân Tập - Long Hậu,…

Hiện nay, huyện đã được chấp thuận đầu tư 87 dự án công nghiệp, dân cư, tái định cư, thương mại và dịch vụ, nghĩa trang,... với diện tích 5.737 hecta. Ngoài ra có 8 khu, cụm công nghiệp đã hoàn thành, đi vào hoạt động; các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động.

 

Cảng biển Long An có diện tích 147 ha, nằm trong cụm cảng quốc tế Long An với tổng diện tích quy hoạch 1.935 ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và là dự án cảng đầu tư mới, vừa chính thức hợp long hệ thống cầu cảng, khai trương dịch vụ khai thác hàng container vào cuối tháng 6/2023 vừa qua. Cảng có thể tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT với công suất khai thác 3 triệu TEUs/năm.