17:42 13/04/2022

Quý I/2022: Thanh tra tài chính kiến nghị xử lý 11.000 tỷ đồng

Ánh Tuyết

Trong số gần 10.807 tỷ đồng mà Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị thanh tra chuyên ngành thuộc bộ kiến nghị xử lý trong quý 1, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 725 tỷ đồng...

Năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh thanh tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thanh tra công tác thu ngân sách đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất đai tại địa phương...
Năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh thanh tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thanh tra công tác thu ngân sách đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất đai tại địa phương...

Ngày 13/4, thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 3/2022 và quý 1/2022, Bộ Tài chính cho biết, trong quý 1/2022, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ thực hiện 11.406 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 251.650 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan.

Bộ Tài chính cho biết thêm, cũng trong quý 1, cơ quan hải quan thực hiện 168 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó kiểm tra sau thông quan là 147 cuộc, xử lý thu vào ngân sách nhà nước 44,7 tỷ đồng.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 3,7 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa 1,28 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào ngân sách nhà nước 69 tỷ đồng.

Triển khai kế hoạch thanh tra năm 2022 được phê duyệt, ngay từ đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tập huấn trao đổi, chia sẻ nghiệp vụ nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, linh hoạt trong hoạt động thanh tra tài chính.

 

Sau khi thanh kiểm tra, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ kiến nghị xử lý tài chính gần 10.807 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị thu hồi nộp khoảng 2.960 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác khoảng 7.121 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính khoảng 725 tỷ đồng. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 1.992,3 tỷ đồng.

Hội nghị tập huấn tập trung 9 chuyên đề chuyên sâu của 9 Phòng Thanh tra, bao gồm: chuyên đề về kỹ năng và phương pháp thanh tra công tác thu ngân sách đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất đai tại địa phương; một số kinh nghiệm thanh tra các dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra giai đoạn năm 2018 – 2021; thanh tra, kiểm tra công tác quản lý phí, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học.

Đáng chú ý, năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh thanh tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn và tài sản tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thanh tra chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản...

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính được chú trọng tăng cường, vừa thực hiện thanh tra toàn diện, vừa thanh tra theo các chuyên đề chuyên sâu.

Ngoài ra, những năm gần đây, Thanh tra Bộ Tài chính cũng tiến hành thanh tra tại một số tập đoàn lớn nhằm mục tiêu ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường, kỷ cương, kỷ luật tài chính trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, ngành thanh tra có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó, có nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Vì vậy, năm 2022, với khối lượng công việc lớn đòi hỏi cán bộ thanh tra ngành tài chính phải kiện toàn, am hiểu sâu về chế độ, chính sách, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành...