16:46 28/12/2021

Quỹ ngoại Singapore tiếp tục bán ra 5,5 triệu cổ phiếu CII

Hà Anh

Giao dịch được thực hiện từ ngày 4/1/2022 đến ngày 2/2/2022, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, quỹ này không còn là cổ đông lớn của CII.

Biểu đồ giá cổ phiếu CII.
Biểu đồ giá cổ phiếu CII.

VIAC (No.1) Limited Partnership thông báo giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến Người nội bộ Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII-HOSE).

Theo đó, VIAC (No.1) Limited Partnership (Singapore), tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Hồng Sơn, thành viên HĐQT CII ký bán 5,5 triệu cổ phiếu CII. Giao dịch được thực hiện từ ngày 4/1/2022 đến ngày 2/2/2022, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Nếu giao dịch thành công, VIAC (No.1) Limited Partnership sẽ giảm sở hữu tại CII từ 17.194.821 cổ phiếu, chiếm 7,20% xuống còn 11,69 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,89% và không còn là cổ đông lớn của CII.

Trước đó, VIAC (No.1) Limited Partnership đã liên tục bán ra cổ phiếu CII. Cụ thể, từ ngày 15/11 đến 29/11, tổ chức này đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu CII và mới đây, từ ngày 2/12 đến 20/12/2021, tiếp tục bán 5,5 triệu cổ phiếu CII.

Trên thị trường, sau hai phiên giảm điểm thì nay giá cổ phiếu này tăng trở lại với mức tăng gần 7% trong hai ngày 27 và 28/12 và đạt mức giá 44.600 đồng/cổ phiếu và tạm tính với mức thị giá này, quỹ ngoại sẽ thu về khoảng 245,3 tỷ đồng từ việc bán ra cổ phiếu CII.

Mới đây, vào ngày 23/12 Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã điều chỉnh khuyến nghị cho CII từ "mua" còn "phù hợp thị trường" dù tăng giá mục tiêu thêm 25% lên 27.300 đồng/CP do giá cổ phiếu CII đã tăng 62% trong 3 tháng qua.

Đồng thời, VCSC tăng giá mục tiêu chủ yếu do giảm chiết khấu định giá từ 20% còn 10%, phản ánh rủi ro thấp hơn của dịch COVID-19 đối với mảng BOT và mảng bất động sản của CII tại TP.HCM và các tỉnh thành miền Nam.

Ngoài ra, định giá của VCSC được hỗ trợ bởi việc CII thoái vốn tại công ty con là CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) với mức giá thuận lợi, cao hơn định giá của chúng tôi cũng như việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2022.

Mặt khác, VCSC giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 thêm 79% do chúng tôi dời giả định đối với thời gian bắt đầu ghi nhận doanh thu từ dự án bất động sản dân cư 152 Điện Biên Phủ (152DBP) từ năm 2021 sang năm 2022. Điều này được bù đắp một phần nhờ dự báo thu nhập tài chính cao hơn nhờ lợi nhuận từ thoái vốn khỏi Dự án De Lagi của NBB.

Trong khi đó, chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 thêm 2,4% dù đã tăng dự báo doanh thu từ dự án 152DBP trong năm khi chúng tôi dời giả định đối với thời gian bắt đầu thu phí tại dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (TL-MT) từ đầu năm 2022 sang giữa quý 2/2022.

Thêm vào đó, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 3,7 nghìn tỷ đồng (-31% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 47 tỷ đồng (-81% YoY) trong năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng bởi việc thu nhập tài chính ròng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước lên 413 tỷ đồng (+8,8 lần YoY) nhờ đóng góp từ hoạt động thu phí của dự án TL-MT và dự án 152DBP.

Chúng tôi cũng kỳ vọng dòng tiền ổn định từ các dự án BOT lớn của CII, điều này sẽ cải thiện tình hình tài chính của công ty. Trong khi đó, các dự án bất động sản nhà ở của CII tại TP HCM sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận mạnh mẽ trong trung hạn do các trở ngại pháp lý dự kiến sẽ giảm.

VCSC cho biết yếu tố hỗ trợ/(rủi ro) cho quan điểm của VCSC là tiến độ phát triển dự án được đẩy nhanh/(bị trì hoãn) và cổ tức tiền mặt cao hơn dự kiến /(bị trì hoãn).