Quyết toán ngân sách 2017: Có dự án tổng mức đầu tư tăng 39 lần!
Thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ ra rằng có dự án tổng mức đầu tư tăng gấp 39 lần
Thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ ra rằng có dự án tổng mức đầu tư tăng gấp 39 lần.
Chiều 20/5, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 với tổng số thu cân đối 1.683.045 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, và thu từ quỹ dự trữ tài chính của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và chênh lệch bội thu với bội chi ngân sách địa phương để trả nợ gốc 9.521 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018). Bội chi ngân sách nhà nước 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 129.073 tỷ đồng).
Thẩm tra nội dung trên, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, việc lập và giao dự toán chưa sát thực tế, dẫn đến một số khoản thu vượt dự toán khá lớn song nhiều khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, tăng thu chủ yếu từ đất và dầu thô.
Một số khoản thu lập, giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện nên ngân sách Trung ương hụt thu năm thứ 3 liên tiếp, tiếp tục có 33/63 địa phương hụt thu cân đối, tăng thêm so với năm 2016 là 21 địa phương.
Về chi ngân sách, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định chưa được khắc phục.
Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong khi ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình cần đầu tư nhưng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017 nguồn ngân sách nhà nước giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây, chỉ đạt 86,3%. Vẫn xảy ra tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư, có địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, chưa đúng thẩm quyền, phê duyệt án chưa đúng quy định, có dự án hồ sơ khảo sát chưa đầy đủ, chính xác, thiết kế, dự toán còn sai sót, hình thức lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án được kiểm toán đều có sai sót....
Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác chưa được khắc phục, có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 lần, 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh 3 lần; dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng tổng mức đầu tư hơn 3 lần; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cửa Đại điều chỉnh 4 lần. Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 2 lần, dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Nha Trang điều chỉnh 4 lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 39 lần.
Cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ, công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành chậm, còn 1.814 dự án chậm phê duyệt quyết toán (chiếm 23,4% dự án hoàn thành), 6.642 dự án quá hạn chưa nộp báo cáo quyết toán (chiếm 50,9% tổng số dự án hoàn thành).
Về bội chi ngân sách, cơ quan thẩm tra lưu ý bội chi giảm so với dự toán chủ yếu là do việc giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm, chưa thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay (vốn trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài giải ngân chậm, đạt rất thấp so với dự toán nên trong điều hành Chính phủ phải giảm vay trong nước 15.142 tỷ đồng; giảm vay ngoài nước 20.195 tỷ đồng). Chính phủ cần lưu ý để quản lý, điều hành ngân sách nhà nước hiệu quả hơn.
Với quản lý nợ công, Chủ nhiệm Hải cho biết, tổng số nợ công tăng thêm so với 2016 là 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng, quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm. Trong khi ngân sách Trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ, bên cạnh đó ứng trước dự toán ngân sách Trung ương lớn (hết 2017 là 86.339 tỷ đồng) có xu hướng tăng tuy không tính trong nợ công nhưng là nghĩa vụ bố trí của ngân sách nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau,...
Chính phủ cần quan tâm để tiếp tục kiểm soát nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách, cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.
Chỉ ra nhiều vấn đề, song Ủy ban thẩm tra cũng thống nhất với số liệu của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.