10:38 24/05/2007

S-Fone và cột mốc 2 triệu thuê bao

Tùy Phong

Chỉ hơn 2 triệu thuê bao tích lũy sau gần 4 năm hoạt động, phải chăng S-Fone còn đang “lò dò” trên con đường phát triển thuê bao?

Thời gian tới, S-Fone tiếp tục tập trung khai thác và phổ biến các tiện ích hiện đại trên nền công nghệ CDMA theo chuẩn 3G.
Thời gian tới, S-Fone tiếp tục tập trung khai thác và phổ biến các tiện ích hiện đại trên nền công nghệ CDMA theo chuẩn 3G.
Chỉ hơn 2 triệu thuê bao tích lũy sau gần 4 năm hoạt động, phải chăng S-Fone còn đang “lò dò” trên con đường phát triển thuê bao?

VnEconomy vừa có cuộc trao đổi với ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc Điều hành Trung tâm Điện thoại di động S-Telecom với thương hiệu S-Fone, mạng sử dụng công nghệ CDMA đầu tiên tại Việt Nam.

S-Fone vừa công bố đạt trên 2 triệu thuê bao tích lũy - một con số mà S-Fone coi là khích lệ để thực hiện chiến lược đạt 3,5 tích lũy triệu thuê bao trong năm nay. Tuy nhiên, gia nhập thị trường viễn thông di động từ năm 2003, thời điểm thị trường chưa có nhiều cạnh tranh, song tới nay S-Fone mới đạt con số trên cho thấy tốc độ phát triển thuê bao của mạng rất chậm?

Điểm lại quá trình hình thành và phát triển của mạng di động S-Fone, chúng ta đều phải công bằng nhìn nhận rằng S-Fone đã phải dành gần 2,5 năm đầu hoạt động (từ 7/2003 đến 12/2005) để tập trung giải quyết những khó khăn của một công ty viễn thông di động đầu tiên phá bỏ cơ chế độc quyền của Nhà nước, và của một mạng di động còn non trẻ chọn hướng tiên phong với một công nghệ hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam - công nghệ CDMA.

Đó là những khó khăn về mặt quản lý nhà nước và từ đối tác GSM, như khó khăn về xây dựng và sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông, vấn đề đàm phán và triển khai kết nối, giá cước, các chi phí liên quan đến sử dụng tần số, về kho số,…

Bên cạnh đó là khó khăn về vấn đề cạnh tranh thị trường khi việc mở rộng vùng phủ sóng CDMA và nâng cấp hệ thống mạng để triển khai những dịch vụ giá trị gia tăng hiện đại đòi hỏi nhiều thời gian và vốn đầu tư, khi tính phổ biến của công nghệ CDMA tại thị trường Việt Nam khi ấy còn hạn chế rất nhiều so với GSM.

Điều đặc biệt khó khăn và khác biệt so với GSM là S-Fone phải tự lo đáp ứng nhu cầu của thị trường về thiết bị đầu cuối CDMA trong suốt thời gian qua và trong hiện tại.

Mặc dù vậy, S-Fone đã có bước phát triển nhảy vọt trong năm 2006 khi số thuê bao tích luỹ vào cuối năm đạt 1,5 triệu thuê bao, tăng 3,75 lần so với cùng kỳ năm 2005. Và việc chính thức vượt qua con số 2 triệu thuê bao vào cuối tháng 4 vừa qua là đúng theo kế hoạch phát triển mới 2 triệu thuê bao của S-Fone trong năm nay.

Vậy, con số trên 2 triệu thuê bao tích lũy của S-Fone có khác gì so với số lượng thuê bao của các mạng khác?

Sự khác biệt về ý nghĩa của thành quả 2 triệu thuê bao tích luỹ của S-Fone với các mạng di động khác, nếu có, chính là ở chỗ thành quả này là sự tiếp tục khẳng định sự tiên phong của mạng S-Fone trên thị trường và ứng dụng công nghệ CDMA. Hai triệu thuê bao CDMA là sự khẳng định chất lượng, tính đa dạng của dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến, hấp dẫn và rất tiện ích trên nền công nghệ CDMA tại thị trường viễn thông di động Việt Nam.

Sự kiện này không chỉ là một cột mốc đáng nhớ cho sự phát triển của S-Fone về số lượng thuê bao mà còn là sự công nhận của người tiêu dùng đối với công nghệ CDMA tiên tiến và các dịch vụ giá trị gia tăng hiện đại, tiện ích trên nền công nghệ này. Vì vậy, đây là thành quả mà chúng tôi rất trân trọng.

2007 được coi là “năm cơ hội” cho tất cả các mạng để phát triển thuê bao mới, vậy con số phát triển 2 triệu thuê bao mới trong năm nay của S-Fone là ở mức thấp so với các mạng của GMS, song lại khá cao so với tốc độ phát triển của mạng trong những năm qua. Liệu rằng S-Fone có hoàn thành kế hoạch?

Kế hoạch phát triển tối thiểu 3,5 triệu thuê bao tích luỹ tính hết năm 2007 là mục tiêu mà chúng tôi sẽ phấn đấu để vượt qua.

Trong những tháng đầu năm 2007, S-Fone đã mở rộng thêm nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Bên cạnh đó, hiện chúng tôi cũng đã xây dựng được mạng lưới hàng ngàn điểm bán lẻ trên toàn quốc.

Để thực hiện mục tiêu trong năm nay, ngoài việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động định vị thương hiệu, phát triển kênh phân phối, S-Fone sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược giá theo hướng đa dạng hoá gói cước và triển khai những chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng với quy mô lớn.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống mạng lưới, lắp đặt thêm các trạm phát sóng, đa dạng hoá các dịch vụ giá trị gia tăng hiện đại trong các lĩnh vực giải trí trên nền công nghệ tiên tiến EV-DO như VOD/MOD - xem phim và nghe nhạc theo yêu cầu, Mobile Internet - truy cập Internet bằng điện thoại hòa mạng S-Fone, Live tivi - xem truyền hình trực tuyến...

S-Fone, mạng sử dụng công nghệ CDMA đầu tiên tại Việt Nam, lại chưa phát huy được những thế mạnh của công nghệ mới này. Trong quá trình phát triển, S-Fone đã có những biện pháp gì khắc phục những hạn chế của công nghệ này tại thị trường Việt Nam?

CDMA là công nghệ tiên tiến với nhiều ứng dụng tiện ích và hiện đại. Tuy nhiên, do là công nghệ mới được khai thác nên thị phần và tốc độ phát triển của công nghệ này còn khá hạn chế. Đây không chỉ là thực tế ở Việt Nam mà còn là tình hình chung trên thế giới khi CDMA hiện chỉ chiếm 20% thị phần viễn thông di động trên toàn thế giới.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhận thấy rằng cách đây 5 năm CDMA chỉ có khoảng vài % thị phần, thì trong vòng vài năm qua sự bùng nổ thuê bao tại các nước đang phát triển là vô cùng lớn lao, từ con số thuê bao khiêm nhường của CDMA 2000-1x là khoảng 30 triệu trên toàn thế giới vào giữa 2003, tới cuối năm 2006 con số này đã lên trên 325 triệu thuê bao, có nghĩa là CDMA 2000-1x có mức độ phát triển trong vòng 3 năm rưỡi qua là khoảng trên 1.080%.

Trong thời gian tới, S-Fone sẽ tiếp tục tập trung khai thác và phổ biến các tiện ích hiện đại trên nền công nghệ CDMA theo chuẩn 3G, đa dạng hóa gói cước, tăng cường chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ mở rộng hợp tác hơn nữa với các nhà sản xuất và phân phối điện thoại di động nổi tiếng trên thế giới và trong nước để đẩy mạnh cung cấp các mẫu máy thời trang đa chức năng nhằm thoả mãn nhu cầu sử dụng đa dạng của người tiêu dùng.

S-Fone cũng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các cửa hàng trực tiếp và đại lý S-Fone trên toàn quốc nhằm phổ biến ngày càng rộng rãi hơn thương hiệu và dịch vụ S-Fone tới đông đảo các tầng lớp người tiêu dùng.

Nhân đây, cũng xin nhắc lại rằng 3G không phải chỉ là một giải pháp viễn thông cho một thị trường tiêu dùng "xịn", mà thật sự là một môi trường, một cơ hội tốt cho cộng đồng cùng nhau sáng tạo, phát triển sản xuất, phát triển ứng dụng, dịch vụ, kinh doanh...

Ông có những nhận định nào về sự phát triển của mạng CDMA tại Việt Nam so với GMS trong thời gian tới?

Tại Việt Nam, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mạng CDMA cùng những ứng dụng hiện đại của công nghệ CDMA chuẩn 3G đã cho thấy Việt Nam đang ngày càng hòa nhập vào xu thế di động 3G của khu vực và thế giới. Dù còn mới mẻ, song CDMA đã thể hiện những thế mạnh rõ rệt, đáp ứng được nhu cầu về công nghệ cao của người sử dụng.

Bản thân các thuê bao sử dụng mạng di động công nghệ CDMA hiện thời cũng đã có được những lợi thế nhất định. Cụ thể, với các thuê bao của S-Fone đang có những ưu thế vượt trội mà các thuê bao mạng khác không có được, đó là chất lượng thoại tốt và tốc độ truyền dữ liệu cao thể hiện rõ qua nhóm các dịch vụ Live TV, VOD, MOD và Internet di động.

Theo nhận định của chúng tôi, năm 2007 sẽ diễn ra cuộc cách mạng về các dịch vụ 3G tại Việt Nam và trong thời gian tới việc đưa vào sử dụng rộng rãi các ứng dụng 3G với những ưu việt nổi bật là một xu thế tất yếu.

Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng và sự hội nhập toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam, công nghệ CDMA sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Đó cũng là cơ hội thuận lợi để S-Fone khai thác và phát huy thế mạnh công nghệ của mình.