09:28 23/03/2007

Sai phạm trong xây dựng: Không “phạt cho tồn tại”!

Đức Thọ ghi

Quan điểm của một số đại biểu Quốc hội về việc xử lý nhiều công trình xây dựng sai phép thời gian qua

Tòa nhà số 4 Đặng Dung - Ảnh: TT
Tòa nhà số 4 Đặng Dung - Ảnh: TT
Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XI, một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm về công tác xử lý sai phạm trong xây dựng, đặc biệt là sau khi nhiều công trình sai phép được phát hiện trong thời gian qua.

"Đã có luật thì phải thực hiện theo luật "

(Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường)

"Theo tôi, chúng ta đã có luật thì phải thực hiện theo luật. Tôi rất tán thành một ý kiến của một vị lãnh đạo thành phố nêu ra là không phải đưa ra một vài tỷ đồng (như trường hợp của dự án toà nhà số 4 Đặng Dung), thậm chí hàng chục tỷ để sửa cái sai đó. Vài tỷ đồng là lớn song nếu so với ý thức và kỷ cương xã hội thì nó thật sự quá nhỏ bé và rõ ràng là không thể so sánh.

Đương nhiên, chúng ta cũng rất xót xa nếu phải phá vì dù của ai đi nữa thì đó cũng là của cải của xã hội.

Hãy đặt vấn đề tại sao lại có những mức án cao để loại khỏi đời sống một con người khi phạm tội nguy hiểm. Hình phạt đó không phải chỉ để xử cá nhân đó mà còn còn để răn đe cho xã hội bởi chỉ khi nào xử lý nghiêm, ta mới có thể răn đe những trường hợp sau.

Tôi cho rằng, đã xử lý là phải xử lý thật nghiêm, sai đến đâu xử lý đến đó và xử lý phải công khai. Cũng cần khuyến khích những cá nhân tự nhận thấy lỗi thì xem xét trách nhiệm có giảm, có tình tiết để giảm nhẹ. Nếu trong quá trình có vi phạm nào đó, tiêu cực nào đó mà tự nhận thì rất hoan nghênh".

"Càng là cán bộ càng phải mạnh tay"

(Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức)

"Hà Nội hiện có hai loại nhà là trái phép và không phép. Cả hai nhà này đều phải giải quyết. Tôi ủng hộ việc Hà Nội xử lý nghiêm những công trình không phép và sai phép đến nơi đến chốn, nghiêm chỉnh và dứt điểm vì còn nhiều nhà khác nữa. Đây là vấn đề nan giải nhưng phải kiên quyết. Với tư cách là đại biểu của dân tôi rất ủng hộ.

Tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của cán bộ. Đây là ngôi nhà chứ không phải là cái kim đâu mà không nhìn thấy, tại sao anh không nhắc nhở người ta ngay từ đầu để người ta đỡ thiệt thòi. Dân giàu nước mạnh giờ anh để người dân làm sai luật, tốn bao tiền bạc.

Tôi cũng cho rằng không thể nộp phạt cho tồn tại bởi ở đây không hẳn là vấn đề tền bạc. Về phương diện lập pháp, để là không đúng, để có nghĩa là phạt cho tồn tại, vấn đề muôn thủa ở Hà Nội, giờ lại công khai cho tồn tại.

Tôi băn khoăn lắm. Tiền của họ cũng là tiền của xã hội, để cho họ thiệt thòi như vậy thì cán bộ quản lý nghĩ gì đây. Tôi nhắc lại là ủng hộ quyết tâm của Hà Nội và quyết tâm là phải làm. Cán bộ liên quan tôi theo tôi cũng cần xử lý nghiêm".

"Xử lý phải công tâm"

(Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Thắng)

"Trước đây Hà Nội đã từng có quyết định là không được xử phạt cho tồn tại. Tôi cho đó là một cách làm nghiêm minh, tránh việc người vi phạm sẵn sàng “bị” xử nộp phạt để tồn tại.

Với các công trình vi phạm mới bị phát hiện gần đây, tôi cho rằng phải kiên quyết xử lí nghiêm để hạn chế việc những người có trách nhiệm không thực thi đúng nhiệm vụ của mình, còn những người có tiền muốn xây là xây được. Riêng xử lí cán bộ không chỉ là phê bình mà phải kỉ luật thật nghiêm thì mới nghiêm.

Tuy nhiên, cũng phải có một tập thể xét kỹ lưỡng phương án xử lý. Tôi cũng muốn nói tới lương tâm, trách nhiệm và đạo đức của cán bộ xử lý vì nếu không như vậy có thể xảy ra tình thế phức tạp tiếp theo, chẳng hạn như hiện tượng cùng một khu vực mà công trình sai phạm nọ được tồn tại còn công trình kia lại bị phá".

"Tùy trường hợp có thể cho tồn tại"

(Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Đức Dũng)

"Đúng ra tất cả việc làm sai phải xử lý. Nhưng trong vấn đề xây dựng này, theo tôi nếu đập đi thì hơi lãng phí của cải. Phải xem lại công trình đó có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, môi trường… thì cho tồn tại được.

Vấn đề là phải xử lý những người liên quan chịu trách nhiệm, chủ đầu tư phạt thật nặng. Từ nay phải quản lý cho chặt chẽ, bằng những biện pháp mạnh hơn nữa.

Nếu xét một cách máy móc thì phải đập đi. Cái sai đó là trách nhiệm của người quản lý, chủ đầu tư. Trách nhiệm của Hà Nội thì Hà Nội phải xử lý, không cần thiết phải đẩy lên trên. Không phải mình cứ đẩy lên là thoát trách nhiệm được".