SaigonTech hướng đến đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Hiệu trường trường chia sẻ về hành trình 15 luôn kiên định với tầm nhìn đào tạo con người Việt Nam thành nguồn nhân lực chất lượng quốc tế
“So với chặng đường nền giáo dục Việt Nam đã đi qua thì khoảng thời gian 15 năm cùng những thành tích của trường vẫn còn khiêm tốn. Điều chúng tôi tự hào hơn cả là mang đến một mô hình giáo dục Mỹ hoàn chỉnh cho sinh viên Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Hiệu trường trường SaigonTech, nói.
Cũng theo bà Thư, từ năm 2001, khi mọi người vẫn đang lờ mờ nhận ra chất lượng giáo dục nước ta có “vấn đề” và cần phải học hỏi từ thế giới thì SaigonTech đã quyết định trở thành phân hiệu chính thức của Đại học Cộng đồng Houston, bang Texas, Hoa Kỳ. Nhờ đó, sinh viên học tại Việt Nam vẫn có thể nhận bằng tốt nghiệp do Đại học Cộng đồng Houston, Hoa Kỳ cấp.
Với tấm bằng giá trị do Đại học Cộng đồng Houston cấp, hẳn là cơ hội việc làm không khó khăn đối với sinh viên SaigonTech, thưa bà?
Đúng vậy. Các thế hệ sinh viên trường Saigon Tech đã ra trường đều có việc làm ổn định, lợi thế tốt trong quá trình ứng tuyển tại các công ty trên thế giới. Không ít sinh viên có việc làm ngay trong giai đoạn thực tập.
Điều này ít nhiều đã chứng minh được uy tín của trường. Bắt đầu từ mùa thu năm nay, sinh viên ngành quản trị kinh doanh sẽ thực tập ở Pháp còn sinh viên ngành công nghệ thông tin thì thực tập ở Nhật. Đây sẽ là cơ hội tốt cho sinh viên hoàn thiện tay nghề, ngoại ngữ và kỹ năng hội nhập toàn cầu.
Chuyến thực tập cũng mở ra một “bến đậu” mới cho sinh viên sau khi thực tập là Pháp, Nhật hoặc các nước bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Chắc hẳn không dễ dàng để SaigonTech trở thành một phân hiệu của một trường công của Mỹ?
Đúng vậy. Chúng tôi phải tuân thủ chương trình đào tạo đại học chính quy của Mỹ và chất lượng giáo dục được kiểm định nghiêm ngặt bởi SACS - Hiệp hội Các Trường học miền Nam Hoa Kỳ. Đơn cử là việc tạo một môi trường giao tiếp và dạy học bằng tiếng Anh tại trường.
Trong nội quy của sinh viên có quy định nói tiếng Anh trong khuôn viên SaigonTech ngoại trừ phụ huynh sinh viên và khách hàng. Quy định này cũng có hiệu lực với các tân sinh viên dù khả năng tiếng Anh giao tiếp còn hạn chế vẫn phải cố gắng diễn đạt bằng tiếng Anh bằng mọi cách, có như vậy các em mới mau tiến bộ.
Trong lớp, sinh viên sẽ được trau dồi vốn tiếng Anh học thuật để khi ra trường, các em có thể sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực và đọc hiểu tất cả các tài liệu chuyên ngành. Chuyện gian lận học đường, “đạo văn” trong học tập, thi cử cũng là một trong những quy định nghiêm khắc của nhà trường.
Chúng tôi đã rất quyết tâm để thay đổi nhiều thói quen trong giáo dục trung học như: “xin” điểm, chép bài có sẵn trên mạng...
Muốn tạo ra nhiều đột phá trong giáo dục thì cần một đội ngũ giáo viên chất lượng. Xin cô chia sẻ nhiều hơn về đội ngũ nhân lực của trường?
Giáo viên của chúng tôi không chỉ giỏi chuyên môn, thông thạo tiếng Anh mà còn phải được Đại học Cộng đồng Houston chấp thuận, đồng thời thỏa mãn nhiều điều kiện của đơn vị giám địnhSACS. Nhiều phụ huynh thường nghĩ rằng ở một trường giáo dục Mỹ thì giảng viên nước ngoài là chủ yếu. Thực tế, tại SaigonTech, giảng viên người Việt nhiều hơn người nước ngoài vì họ có năng lực tốt.
Chúng tôi cho rằng người Việt cần có lòng tự hào dân tộc vì thực tế khi đánh giá về các tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên tại trường, người Việt Nam hơn hẳn người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam.
Hiển nhiên, trong trường cũng cần có sự đa dạng về sắc tộc trong đội ngũ giáo viên để có sự giao thoa văn hóa và sự đa dạng trong phương pháp giảng dạy nhưng vẫn đảm bảo tầm nhìn là biến sinh viên Việt Nam thành lực lượng lao động quốc tế…
Và Trung tâm giải pháp nguồn nhân lực công nghệ thông tin ISC - Quang Trung là nơi thực hiện tầm nhìn này đối với lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin, đúng không thưa bà?
Đúng vậy. Dễ thấy thực trạng về nhân sự ngành công nghệ thông tin (IT) hiện nay vừa yếu lại vừa thiếu. Trung tâm ISC sẽ giúp học viên bổ sung và nâng cao những kỹ năng thực hành, các kinh nghiệm cần thiết đáp ứng cho yêu cầu công việc tại các dự án công nghệ thông tin, góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin trước mắt và lâu dài cho Việt Nam, trở thành cầu nối hữu hiệu giữa các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị sử dụng nhân lực của ngành công nghệ thông tin.
Trên thế giới, mô hình dạy 360 giờ về lập trình như ISC khá phổ biến nhưng hầu như không có nhiều nơi dạy cả về tư duy phản biện, phương pháp tự học như ở SaigonTech.
Tư tưởng “Tôi làm được” là rất quan trọng mà sinh viên cần tiếp thu, rèn luyện vì sự nghi ngờ quá lớn và thường trực có thể khiến sinh viên đánh mất nhiều cơ hội thành công.