16:17 01/07/2009

Samco: Tạo bước ngoặt nhờ… khó khăn

Đức Vi

Samco là một trong 4 tổng công ty đảm nhận vai trò nòng cốt của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

Samco hướng đến hoạt động đa ngành với chiến lược "chung một tầm nhìn, vượt lên phía trước".
Samco hướng đến hoạt động đa ngành với chiến lược "chung một tầm nhìn, vượt lên phía trước".
Không chọn cách thức “ngủ đông” mà chủ động tận dụng cơ hội và trực diện đối mặt với khó khăn là cách Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) đã làm để vượt khó trong năm 2008.

Có thể thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, năm 2008 là năm có nhiều biến động phức tạp nhất. Kinh tế trong nước chịu lạm phát cao trong sáu tháng đầu năm và sau đó là tình trạng suy thoái vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhờ tính chủ động cao, Samco đã vượt khó với tổng doanh thu trên 11.167 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch, nộp ngân sách 986,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt hơn 5,4 triệu đồng/tháng.

Cũng trong năm 2008, Samco được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Bên cạnh đó, Tổng công ty vinh dự nhận giải Sao Vàng Phương Nam 2008 và lần thứ tư liên tiếp được trao tặng giải thưởng Sao vàng Đất Việt.

Đạt được những thành tựu trên không dễ dàng, đó là kết quả của một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của Samco.

Được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Cơ khí ôtô Sài Gòn theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con vào năm 2005, ngay từ đầu Samco đã hướng đến hoạt động đa ngành với một khẩu hiệu đầy quyết tâm “chung một tầm nhìn, vượt lên phía trước”. Khẩu hiệu này thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể cán bộ nhân viên của Tổng công ty trên con đường chinh phục đỉnh cao, xứng đáng trở thành một trong tứ trụ của ngành ôtô Việt Nam.

Trên cơ sở hợp nhất 25 đơn vị, các thành viên của Samco là các doanh nghiệp đủ mọi thành phần kinh tế. Vì thế, việc xây dựng các quy chế hoạt động được đặt ra đầu tiên khi được thành lập. Tổng công ty chia các đơn vị thành viên thành 4 khối theo lĩnh vực kinh doanh, mục tiêu chiến lược, để nâng cao hiệu quả chung; vận dụng các quy chế trong quản lý, đấu thầu, kiểm soát mua bán nguyên, vật liệu... để giảm thiểu chi phí, tối đa hóa lợi nhuận. Kết quả, chỉ hơn một năm hoạt động, năm 2006, Samco đã ổn định được sản xuất, kinh doanh ở các đơn vị thành viên.

Là doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành, trong đó ngành chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí giao thông, vận tải và cung cấp dịch vụ về giao thương, vận tải chất lượng cao. Năm 2002, Samco mới chỉ sản xuất xe tải đóng thùng và xe chuyên dùng.

Những năm qua, nhận thấy nhu cầu về sản phẩm xe khách và xe buýt của thị trường ngày càng cao, Samco đã tập trung công nghệ, vật lực đầu tư vào 2 loại sản phẩm này. Hiện nay, Samco là một trong những đơn vị hàng đầu sản xuất xe buýt, xe khách với tỷ lệ nội địa hóa trên 20%, doanh thu hàng năm đạt gần 100 tỷ đồng.

Cuối năm 2008, lãnh đạo TPHCM có chủ trương giảm số lượng xe buýt cỡ lớn trong hệ thống giao thông công cộng của thành phố và thay vào đó là các dòng xe buýt loại nhỏ cho phù hợp với điều kiện giao thông đô thị.

Thực hiện chủ trương này, Samco đã triển khai thiết kế thành công dòng sản phẩm mới hoàn toàn so với những dòng sản phẩm trước đây: Xe buýt nội thành B40, 18 chỗ ngồi và 22 chỗ đứng. Đây là dòng sản phẩm được đánh giá là phù hợp với đường xá nội thành, giảm thiểu được tắc đường.

Phong trào sáng kiến để tiết kiệm được Samco phát động. Thời gian qua đã có hơn 150 sáng kiến áp dụng hiệu quả, làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm, như cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa và nâng cao chất lượng sản xuất; cải thiện môi trường, điều kiện làm việc… Sáng kiến tiết kiệm được coi một trong những biện pháp giúp Samco kích thích nội lực để vượt khó.

Năm 2009 được cho là năm rất khó để dự báo, nhưng mọi nhận định đều cho rằng đây là một năm đầy khó khăn và nhiều thách thức. Hiểu rằng, khó khăn cũng có thể đưa lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp, Samco quyết tâm nỗ lực, vững tay chèo, khẳng định vị thế tứ trụ trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Dự kiến năm nay, doanh thu Tổng công ty đạt được là 12.490 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 259,7 tỷ đồng. Năm 2010, Samco phấn đấu trở thành một tổng công ty mạnh, ghi dấu ấn thương hiệu trong nền công nghiệp TPHCM và cả nước.

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 được Chính phủ phê duyệt, Samco là một trong 4 tổng công ty đảm nhận vai trò nòng cốt của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam; đáp ứng trên 80% nhu cầu thị trường trong nước với các loại xe chuyên dụng, đạt tỉ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2010. Sản xuất các loại xe cao cấp, tỉ lệ nội địa hóa 35% - 45%, tập trung phát triển sản xuất phụ tùng chủ yếu phục vụ lắp ráp trong nước và xuất khẩu...

Đó chính là thách thức và cũng là thời cơ đối với Samco.