09:00 05/01/2024

Sản phẩm “độc lạ” giúp Quảng Bình lọt top đầu về tăng trưởng du lịch

Tường Bách

Du lịch Quảng Bình được các Tạp chí du lịch uy tín bình chọn, đánh giá là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam. “Vương quốc hang động” này còn được tạp chí The New York Times bình chọn là một trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh…

Ảnh: Oxalis Adventure
Ảnh: Oxalis Adventure

Trước đây, tính thời vụ cao, phụ thuộc vào hệ thống hang động, được cho là “điểm yếu” hạn chế sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Quảng Bình. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, người dân địa phương đã tham gia vào các hoạt động du lịch với nhiều ý tưởng sáng tạo, góp phần giảm nghèo bền vững. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, Quảng Bình đã giới thiệu nhiều mô hình du lịch thích ứng thời tiết với các sản phẩm độc đáo, đặc trưng.

DU LỊCH “SỐNG CHUNG” VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tỉnh Quảng Bình được thiên nhiên ưu ái ban tặng hệ thống hang động hùng vỹ bậc nhất cả nước. Trong đó có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hơn 400 hang động đa dạng về kích thước, đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Các tour du lịch khám phá hang động tại tỉnh Quảng Bình đi vào hoạt động đã mở ra nhiều trải nghiệm độc đáo. Du khách có thể chèo thuyền kayak trên dòng sông ngầm, leo núi, trekking, khám phá hang động vào ban đêm,... Khám phá thiên nhiên kỳ thú mang đến những hoạt động mới mẻ và thú vị được nhiều du khách hưởng ứng.

Tỉnh Quảng Bình được thiên nhiên ưu ái ban tặng hệ thống hang động hùng vỹ bậc nhất cả nước.
Tỉnh Quảng Bình được thiên nhiên ưu ái ban tặng hệ thống hang động hùng vỹ bậc nhất cả nước.

Trong khi đó, với địa thế đặc trưng, làng Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) thường được coi là vùng “rốn lũ” khi thường xuyên ngập chìm trong nước lũ nhiều ngày liền. Sau trận lũ lịch sử năm 2010, vào năm 2011 người dân xã Tân Hoá đã có sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ”. Từ đó cũng gợi mở cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương nghiên cứu và xây dựng thử nghiệm sản phẩm trải nghiệm cuộc sống mùa lụt ở Tân Hóa. Đây có lẽ là tour du lịch duy nhất được tổ chức trong mùa lũ lụt ở Việt Nam.

Các hoạt động du lịch thử nghiệm bao gồm: đón khách bằng thuyền máy đến khu vực ngã ba Tân Lý, sau đó đưa khách vào khu điều hành Tú Làn để ngắm cảnh, trải nghiệm mùa lụt tại Tân Hóa và nghỉ ngơi ở khu điều hành Tân Hóa; chèo kayak, sup, thuyền ngắm cảnh quan mùa lụt tại khu vực trước cửa của khu điều hành Tú Làn; chèo kayak, sup đi tặng quà cho người dân… Đầu tháng 11/2023, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã vinh danh Tân Hóa là một trong những “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023”.

Tương tự, vào mùa lũ, một vùng rừng rộng lớn bên dưới những ngọn núi đá vôi bao gồm cả con đường độc đạo dẫn vào xứ sở người Rục sinh sống được gọi là Hung Trâu (hung theo tiếng địa phương nghĩa là thung lũng) tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) bị ngập sâu gần chục mét suốt gần một tháng. Nước lũ ở đây có màu xanh ngọc, đứng từ trên ngọn núi đá vôi nhìn xuống, cả vùng ngập lũ như một bức tranh thủy mặc tĩnh lặng và đẹp mê hồn.

Sản phẩm “độc lạ” giúp Quảng Bình lọt top đầu về tăng trưởng du lịch - Ảnh 1
Sản phẩm “độc lạ” giúp Quảng Bình lọt top đầu về tăng trưởng du lịch - Ảnh 2
 
Sản phẩm “độc lạ” giúp Quảng Bình lọt top đầu về tăng trưởng du lịch - Ảnh 3
Sản phẩm “độc lạ” giúp Quảng Bình lọt top đầu về tăng trưởng du lịch - Ảnh 4
 

Năm vừa qua, vùng Hung Trâu vốn thường xuyên bị cô lập trong mùa lũ này đã trở thành một bể bơi tự nhiên khổng lồ. Nơi những tán cây bị ngập đến ngọn trở thành địa điểm trải nghiệm các hoạt động bơi thuyền kayak, chèo SUP, lặn… Sau khi bơi lội thỏa thích, khách du lịch di chuyển vào bản Ón, một bản làng của tộc người Rục, tham quan hang đá cổ xưa là nơi 60 năm trước, một nhóm người Rục từng sinh sống…

Tất cả các sản phẩm thử nghiệm này, sau khi tổng kết đánh giá có hiệu quả sẽ giao cho các doanh nghiệp đủ năng lực triển khai, góp phần nâng cao nhận thức về du lịch mùa lũ, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, thu hút khách du lịch đến Quảng Bình quanh năm.

MỖI NGƯỜI DÂN ĐỀU LÀ ĐẠI SỨ DU LỊCH

Tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình với thanh niên vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du Lịch Quảng Bình cho biết, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 dự ước đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách, đạt 128,86% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 118.000 lượt, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng 5.096,3 tỷ đồng. Khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau và chiếm phần lớn là khách từ thị trường Anh, Úc, Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,...

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Quảng Bình định hướng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng một cách bền vững. Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đặt ra mục tiêu đón 4,5 -5 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch phấn đấu đạt 5.600 tỷ đồng. Đến năm 2030, tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch phấn đấu đạt 10 đến 12% GRDP của tỉnh.

Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đặt ra mục tiêu đón 4,5 -5 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch phấn đấu đạt 5.600 tỷ đồng.
Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đặt ra mục tiêu đón 4,5 -5 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch phấn đấu đạt 5.600 tỷ đồng.

Muốn thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Quảng Bình cần đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển du lịch, trong đó ưu tiên hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, các khu vui chơi giải trí. Cùng với đó là việc triển khai đề án quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Bình thông qua chương trình ngoại giao văn hóa, các hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, các tỉnh thuộc "Con đường di sản miền Trung" và một số tỉnh trên hành lang kinh tế Đông Tây, các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam – Lào - Thái Lan sử dụng chung đường 8 và đường 12 để quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch...

Ông Quý mong muốn mỗi đoàn viên, thanh niên và những người trẻ tại Quảng Bình cố gắng trau dồi để trở thành đại sứ, hướng dẫn viên, là lực lượng vững mạnh trong việc đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. "Đây là công việc chung của toàn dân ở Quảng Bình, tuy nhiên người trẻ luôn là lực lượng tham gia hùng hậu nhất trong công tác quảng bá du lịch, để làm sao bên cạnh các công tác truyền thông thì du khách còn ấn tượng với từng người dân khi đến Quảng Bình", ông Quý nhấn mạnh.

Ông Trần Phương Chương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Emerald (TP Đồng Hới) cũng đồng tình: "Để đạt được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách toàn cầu vào năm 2030, và tiếp tục duy trì thương hiệu điểm đến hấp dẫn và khác biệt, thì sự tham gia của cả cộng đồng trong đó mỗi một người dân là một hướng dẫn viên, một đại sứ du lịch hứa hẹn sẽ tạo nên một Quảng Bình hấp dẫn và lôi cuốn trong mắt du khách".