08:34 15/05/2024

Sản phẩm gia dụng cần những yêu cầu bền vững mới

Lưu Hà

Sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn giúp cắt giảm chi phí tiền điện. Một trong những nỗ lực của việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng là dán nhãn năng lượng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, khi mua sắm, người dùng cần nghĩ đến hai mức giá: giá mua – được coi là khoản thanh toán trước và giá vận hành thiết bị suốt vòng đời của nó. Người dùng sẽ trả mức giá vận hàng bằng hóa đơn tiền điện của mình trong suốt vòng đời sản phẩm, trung bình với tủ lạnh là 12 năm, máy giặt và điều hòa lần lượt là 11 và 9 năm. "Khi mua sắm, hãy xem xét các nhãn tiết kiệm điện, tính năng để có thể lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị có chi phí vận hành thấp", tổ chức này thông tin.

Mới đây, Trung Quốc vừa công bố dự thảo áp dụng cho các loại thiết bị gia dụng và thiết bị nhà bếp tương tự. Chẳng hạn: Nồi cơm điện hoạt động ở áp suất bình thường, được làm nóng bằng bộ phận làm nóng bằng điện hoặc cảm ứng điện từ, có công suất định mức không quá 2000W; Nồi hầm điện và các thiết bị tương tự hoạt động ở áp suất bình thường, điện áp định mức không quá 250V, công suất định mức không quá 2000W và thể tích định mức không quá 10L; Ấm điện có điện áp định mức không quá 250V AC; Bếp từ có một hoặc nhiều bộ gia nhiệt, mỗi bộ có công suất định mức từ 700W đến 3500W… Mục tiêu của những quy định này là để bảo tồn năng lượng.

Khi mua sắm, hãy xem xét các nhãn tiết kiệm điện, tính năng để có thể lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị có chi phí vận hành thấp.
Khi mua sắm, hãy xem xét các nhãn tiết kiệm điện, tính năng để có thể lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị có chi phí vận hành thấp.

Tương tự, cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) đã có thông báo mở rộng Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc (MELS) và Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) cho thiết bị gia dụng thương mại từ ngày 1/4/2025. Các quy định này nhằm cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn, giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng và đóng góp vào nỗ lực thực hiện cam kết trung hòa cacbon của Singapore.

Theo đó, máy nước nóng là thiết bị sử dụng nhiều năng lượng thứ 3 trong các hộ gia đình tại Singapore, chỉ đứng sau máy điều hòa không khí và tủ lạnh, chiếm 10% mức tiêu thụ năng lượng của một hộ gia đình thông thường. Còn tủ lạnh bảo quản thương mại, là thiết bị thiết yếu trong các cơ sở thực phẩm, và là một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong các bếp ăn.

Đối với 2 loại thiết bị này, NEA đưa ra các tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu và nhãn năng lượng với thang đánh giá 5 điểm cho tất cả các loại máy nước nóng thường được sử dụng trong các hộ gia đình và tủ lạnh bảo quản thương mại, nhằm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp xác định hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí và khuyến khích các nhà cung cấp đưa ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn.

Đối với các thiết bị khác như điều hòa không khí di động, đèn và máy thu hình, các quy định pháp lý bắt buộc sẽ áp dụng theo quy định NEA-LSD-CIRCULAR-ECA-00002-2023. Theo ông Cao Xuân Thắng - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, các doanh nghiệp không tuân thủ sẽ có thể bị phạt tới 10.000 đô la Singapore. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một cơ hội cạnh tranh công bằng và bền vững trên thị trường quốc tế.

Tại Việt Nam, đánh giá về thị trường ngành điện, điện tử tiêu dùng, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết: Quy mô thị trường đồ gia dụng trong nước trị giá ước tính lên đến 12,5 – 13 tỉ USD, nhu cầu mua sắm các thiết bị điện gia dụng, thiết bị nhà bếp sẽ tiếp tục tăng cao cho đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm và mỗi hộ gia đình Việt Nam đã chi tiêu trung bình khoảng 8,4 triệu đồng cho các thiết bị gia dụng. Các thương hiệu hàng gia dụng trong nước đang chiếm 80% thị phần hàng gia dụng, 20% thuộc về các thương hiệu ngoại.

Các tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu và nhãn năng lượng là nhằm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp xác định hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí.
Các tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu và nhãn năng lượng là nhằm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp xác định hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí.

Nhận định về xu hướng tiêu dùng thiết bị điện tử thông minh trong thời gian tới, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, hiện nay các sản phẩm điện tử, thiết bị thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến không chỉ dành cho giới trẻ, mà tạo thành xu hướng cho mọi tầng lớp người sử dụng nói chung. Tính tiện ích, giá thành hợp lý đang là hai yếu tố mang lợi thế dành cho sản phẩm thông minh trở thành thiết yếu trong đời sống con người như điện thoại, máy tính, thiết bị chăm sóc sức khỏe, đồng hồ thể thao, thiết bị gia dụng…

Ngoài ra, năm 2023 đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên toàn cầu. Theo đó, thay vì mua sắm dựa trên sở thích cá nhân, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm dựa trên nhu cầu thực tế, ưu tiên các sản phẩm cần thiết, có giá trị sử dụng lâu dài và tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, hầu hết các thiết bị gia dụng trên thị trường Việt đều đã được Dán nhãn năng lượng. Đây là nhãn chứa thông tin về loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin cơ bản để người tiêu dùng có sự so sánh đối chiếu với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Với các sản phẩm như bóng đèn, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện áp dụng Dán nhãn năng lượng, người tiêu dùng chỉ cần quan tâm đến nhãn so sánh và nhãn xác nhận của sản phẩm là đủ. Trong đó, nhãn xác nhận là chứng nhận sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất so với các sản phẩm cùng loại.

Còn trên nhãn so sánh, căn cứ theo các mức tiết kiệm từ 1 sao đến 5 sao, “nhiều sao hơn - tiết kiệm hơn”, với thông điệp này người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn mua sản phẩm Tiết kiệm năng lượng mà không phải tìm hiểu quá nhiều, bởi các sản phẩm đã được đánh giá theo các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng. 

Từ trái qua phải: Ba loại nhãn năng lượng trên thị trường Việt hiện nay: nhãn năng lượng nhận biết, nhãn năng lượng so sánh và nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất.
Từ trái qua phải: Ba loại nhãn năng lượng trên thị trường Việt hiện nay: nhãn năng lượng nhận biết, nhãn năng lượng so sánh và nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất.

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, sau 7 năm thực hiện Chương trình Dán nhãn năng lượng, đến nay đã có trên 20.000 chủng loại sản phẩm trong 3 nhóm là thiết bị gia dụng; thiết bị công nghiệp và thiết bị văn phòng được Dán nhãn năng lượng. Trước đây, người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm thường chỉ quan tâm đến giá cả, thương hiệu, mẫu mã, nhưng nay, họ đã quan tâm hơn đến các thông số về kỹ thuật, đặc biệt là mức tiêu thụ năng lượng để lựa chọn sản phẩm, bởi điều này giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ trong mỗi gia đình.

Nhờ vậy, lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có Dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa không khí, tủ lạnh gia dụng… chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường. Chỉ riêng sản phẩm điều hòa, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hằng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng hơn 100 triệu kWh/năm.