09:47 06/01/2023

“Săn” tour du lịch giá rẻ, coi chừng sập bẫy lừa đảo

Đỗ Mến

Hiện nay đang là mùa cao điểm du lịch trong năm. Các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ phụ trợ cũng nhanh chóng tung hàng loạt khuyến mãi để kích cầu du lịch. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để những đối tượng lừa đảo tung chiêu trò trà trộn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã giải quyết phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1980, ở Bắc Giang, Giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch Phong Nguyệt) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Công ty Phong Nguyệt do Nguyệt làm chủ đăng ký ngành nghề kinh doanh là đại lý du lịch, điều hành tour du lịch cùng một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, công ty này chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế.

Từ năm 2017, Công ty Phong Nguyệt ký hợp đồng hợp tác liên kết đại lý với một số đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, nhận bán chương trình du lịch để hưởng “hoa hồng”.

Thực tế, quá trình hoạt động kinh doanh, Nguyệt đưa ra những chương trình, tour du lịch trọn gói giá rẻ (chỉ bằng ½ giá của công ty lữ hành mà Phong Nguyệt ký kết), với lời quảng cáo chất lượng dịch vụ tốt nhằm thu hút nhiều khách hàng. 

Đồng thời hỗ trợ đặt vé máy bay, thuê xe ô tô, đặt phòng nghỉ tại điểm du lịch, thuê hướng dẫn viên hoặc chuyển khách cho công ty “mẹ” nhằm hưởng % hoa hồng.

Do hạ giá nên các chương trình, tour du lịch Nguyệt tổ chức đều thua lỗ. Cuối năm 2018, Công ty Phong Nguyệt không còn khả năng tài chính để duy trì hoạt động, nợ tiền một số cá nhân, đơn vị.

Trong lúc thua lỗ, Nguyệt tiếp tục sử dụng chiêu trò hạ giá dịch vụ để thu hút khách hàng. Từ cuối năm 2018 đến cuối tháng 6/2019, Nguyễn Thị Nguyệt đã chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng của 96 bị hại. Số tiền này được Nguyệt sử dụng vào việc bù lỗ các dịch vụ thực hiện trước đó. Quá trình điều tra, 3 bị hại rút đơn, không yêu cầu Nguyệt bồi thường. Như vậy số bị hại còn 93 người.

Một trong các nạn nhân mất tiền nhiều nhất có bà N. (SN 1981, ở Bắc Giang) mất 550 triệu đồng khi săn tour du lịch giá rẻ của Công ty Phong Nguyệt cho người thân gồm các tour đi Đà Nẵng – Huế, Phượng Hoàng, Cố Trấn, Singapore, Nha Trang, Bình Định…

Cơ quan tố tụng cũng xác định, Công ty Phong Nguyệt đã ký hợp đồng dịch vụ, ký phiếu đăng ký dịch vụ hoặc xác nhận bằng tin nhắn qua ứng dụng Zalo hoặc sms.

Trước khi khách hàng xác nhận, Nguyệt nói do là chương trình giá rẻ nên khách hàng phải chuyển toàn bộ tiền tour du lịch. Việc chuyển tiền vào các cá nhân mang tên Nguyệt hoặc Công ty Phong Nguyệt.

Nguyệt bị tòa sơ thẩm xử phạt 13 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau phiên tòa sơ thẩm, Nguyệt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, 17 bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt.

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Để thu hút khách hàng bị cáo đã tự hạ giá các tour du lịch, không tính toán kỹ, không cân đối được thu chi dẫn đến thua lỗ. Sau đó bị cáo có thủ thoạn thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người sau bù lỗ cho các tour trước đó và trả cho khách hàng hủy tour… thể hiện ý thức coi thường pháp luật.

Xét đơn kháng cáo, tòa phúc thẩm thấy rằng, mức án 13 năm 6 tháng tù là tương xứng với hành vi phạm tội. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo và bị hại.

Ngoài thủ đoạn hạ giá dịch vụ, nhiều đối tượng còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách đăng ảnh ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng ủng hộ đăng ký đi tour du lịch để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Đơn cử như vụ án Võ Anh Kiệt (SN  1982, ở Trà Vinh, giám đốc Công ty TNHH giải trí AK) chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng. Mặc dù Kiệt không ký hợp đồng đại lý với cơ quan, đơn vị nào có chức năng giấy phép hoạt động du lịch lữ hành, nhưng Kiệt tạo lập các trang web, Facebook, YouTube để quảng cáo, đăng tải các thông tin, hình ảnh các ca sỹ, diễn viên nổi tiếng, mời gọi khách hàng đặt tour.

Nhiều người nhầm tưởng công ty của Kiệt có uy tín, có chức năng kinh doanh dịch vụ lữ hành hợp pháp nên đã tin tưởng đặt tour. Sau khi khách nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản, Kiệt không thực hiện theo cam kết tổ chức du lịch mà chiếm đoạt.

Có 106 khách hàng tại TP.HCM và các tỉnh đã đặt tour du lịch quốc tế và bị Kiệt chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng.

 

Qua các vụ án trên, cơ quan tố tụng cũng khuyến cáo, khi các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đi du lịch cần tìm hiểu đơn vị kinh doanh lữ hành có được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế; có kinh nghiệm, năng lực tổ chức sự kiện hay không. Nếu như thấy mức giá thấp thì không nên ham rẻ, cần tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc kỹ trước khi quyết định sử dụng dịch vụ để tránh bị lừa đảo.