Sản xuất nông lâm ngư nghiệp khởi đầu thuận lợi
Tháng 1/2025, diện tích gieo trồng lúa đông xuân tăng, chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá. Nhờ vậy, đã phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua…
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/1/2025, cả nước gieo cấy được 2.020,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 103,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 217,7 nghìn ha, bằng 141,4% do nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ gieo cấy trước Tết Nguyên đán.
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG ĐẨY MẠNH TRỒNG RỪNG
Các địa phương phía Nam gieo cấy lúa đồng xuân đạt 1.802,5 nghìn ha, bằng 100,7%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.463,0 nghìn ha, bằng 101,5% do nhiều địa phương trong vùng như Long An, Bến Tre, Bạc Liêu chuyển diện tích vụ lúa thu đông 2024 sang gieo trồng vụ đông xuân 2025.
Để đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng hiệu quả sản xuất vụ đông xuân, cần tuân thủ lịch thời vụ, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết. Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích khoai lang, đậu tương giảm so với cùng kỳ năm trước do chuyển sang các cây trồng khác như ngô, lạc, rau ... cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương đang đẩy mạnh trồng rừng. Tổng cục Thống kê cho hay diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 1/2025 ước đạt 8,2 nghìn ha, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong tháng 1/2025, số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 3,6 triệu cây, tăng 2,3%.
"Sản lượng gỗ khai thác trong tháng 1/2025 ước đạt 1.158,7 nghìn m3, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, do thời tiết khô ráo và thị trường tiêu thụ gỗ sôi động, giá gỗ nguyên liệu ở mức cao, người dân tăng cường khai thác. Một số tỉnh có tốc độ khai thác gỗ tăng cao so với cùng kỳ như: Bắc Kạn tăng 21,1%; Tuyên Quang tăng 20,3%; Nghệ An tăng 19,0%; Yên Bái tăng 13,3%; Quảng Nam tăng 8,2%".
Tổng cục Thống kê.
Trong tháng 1/2025, diện tích rừng bị thiệt hại là 38,7 ha, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 2,3 ha, gấp 8,0 lần, diện tích rừng bị chặt, phá là 36,4 ha, tăng 81,8%. Diện tích rừng bị cháy tập trung ở Cao Bằng 1,3 ha, Tuyên Quang 0,8 ha; diện tích rừng bị chặt, phá nhiều nhất ở Đắk Lắk 12,6 ha, Sơn La 6,3 ha, Bắc Kạn 3,8 ha.
SẢN LƯỢNG CHĂN NUÔI, THUỶ SẢN TĂNG
Đối với ngành chăn nuôi, chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định, người dân mở rộng quy mô đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm. Trong khi đó, chăn nuôi trâu, bò tiếp tục xu hướng giảm.
Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Tính đến ngày 31/1/2025, cả nước không còn dịch lợn tai xanh; dịch lở mồm long móng còn ở Phú Thọ, Tiền Giang; dịch cúm gia cầm còn ở Tuyên Quang, Tiền Giang; dịch viêm da nổi cục còn ở Quảng Nam; dịch tả lợn châu Phi còn ở 6 địa phương và bệnh dại động vật còn ở 8 địa phương chưa qua 21 ngày.
"Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng 1/2025 ước đạt 594,1 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 443,4 nghìn tấn, tăng 0,7%; tôm đạt 56,3 nghìn tấn, tăng 3,1%; thủy sản khác đạt 94,4 nghìn tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước".
Tổng cục Thuỷ sản.
Đối với ngành thuỷ sản, sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng 1/2025 ước đạt 329,2 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 241,1 nghìn tấn, tăng 5,5%; tôm đạt 46,8 nghìn tấn, tăng 4,9% so với tháng 1/2024.
Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 102,5 nghìn tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng khuyến khích bà con thả nuôi, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến đẩy mạnh thu mua, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong dịp đầu năm.
Một số địa phương nuôi cá tra trọng điểm có sản lượng thu hoạch đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như Cần Thơ tăng 10,6%, Long An tăng 10,0%, Đồng Tháp tăng 9,0%, An Giang tăng 6,9%. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và xuất khẩu. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 26,5 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 15,3 nghìn tấn tăng 2,7%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 1/2025 ước đạt 264,9 nghìn tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 202,3 nghìn tấn, giảm 4,4%; tôm đạt 9,5 nghìn tấn, giảm 5,0%; thủy sản khác đạt 53,1 nghìn tấn, giảm 5,8%.
Sản lượng thủy sản khai thác giảm do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên thời gian đánh bắt trên biển của ngư dân ngắn hơn so với cùng kỳ năm trước, cùng với đó là một số tàu thuyền cũng tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng và chuẩn bị kế hoạch khai thác cho năm mới. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 246,7 nghìn tấn, giảm 4,4%, trong đó: Cá đạt 189,4 nghìn tấn, giảm 4,5%; tôm đạt 8,1 nghìn tấn, giảm 4,7%; thủy sản khác đạt 49,2 nghìn tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.