10:53 01/08/2024

Sản xuất nông nghiệp đảm bảo đủ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Chu Khôi

Sau 7 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ổn định, bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các giải pháp khơi thông thị trường, ký kết các đơn hàng mới đã có hiệu quả...

Sản xuất nông nghiệp 7 tháng năm 2024 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Sản xuất nông nghiệp 7 tháng năm 2024 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ thông tin với báo chí về kết quả của ngành nông nghiệp 7 tháng năm 2024.

SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ KHẢ QUAN

Theo đó, trong tháng 7, Bộ đã tập trung hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa và lúa thu đông, chăm sóc và thu hoạch lúa hè thu sớm. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và đàn gia súc, gia cầm được quan tâm.

Đồng thời, Bộ cũng tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định; thực hiện nghiêm quy định chống khai thác IUU.

Liên quan vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai, khi xảy ra xâm nhập mặn, đặc biệt vấn đề ngập úng gây thiệt hại hàng nghìn ha lúa, Thứ trưởng Tiến khẳng định: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những dự báo và chỉ đạo rất chính xác. Chỉ có một số địa phương xuống giống không theo khuyến cáo mới bị ảnh hưởng. Còn lại, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật của Bộ khuyến cáo giúp sản lượng lúa thời gian qua không bị ảnh hưởng nhiều.

Thông tin về kết quả sản xuất nông nghiệp 7 tháng, Thứ trưởng Tiến cho hay cả nước đã gieo cấy 6,25 triệu ha lúa, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,82 triệu ha, tăng 1,3%; năng suất bình quân 65,6 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng lúa trên diện tích thu hoạch 25 triệu tấn, tăng 2%. Trong lĩnh vực lâm nghiệp: trồng rừng 137,8 nghìn ha, tăng 3,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11,9 triệu m3, tăng 7,1%. Về thủy sản: tổng sản lượng 5,2 triệu tấn, tăng 2,6%; trong đó khai thác 2,3 triệu tấn, tăng 0,9%; nuôi trồng 2,9 triệu tấn, tăng 3,9%.

 
 
Sản xuất nông nghiệp đảm bảo đủ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu - Ảnh 1
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Có thể thấy, sau 7 tháng của năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ổn định, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát, giảm thiểu tối đa thiệt hại, từ đó, bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các giải pháp khơi thông thị trường, ký kết các đơn hàng mới đã có hiệu quả, kết quả tốt, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước”.

Về hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trong 7 tháng năm 2024, Thứ trưởng Tiến cho biết đều tăng, trong đó Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Nhờ đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như gỗ và sản phẩm gỗ 8,7 tỉ USD, cà phê 3,5 tỉ USD, gạo 3,2 tỉ USD, hạt điều 2,3 tỉ USD, rau quả 3,8 tỉ USD, tôm 2 tỉ USD, cá tra 1,02 tỉ USD.

Một số mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu cũng cao hơn so với cùng kỳ, như gạo 632 USD/tấn (tăng 18%), cà phê 3.669 USD/tấn (tăng 52%), cao su 1.555 USD/tấn (tăng15%), hạt tiêu 4.665 USD/tấn (tăng 45%).

Về xây dựng nông thôn mới, tính đến 31/7/2024, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2.146 xã nông thôn mới nâng cao (tăng 31 xã so với tháng 6/2024); 465 xã nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 2 xã so với tháng 6/2024). Đến nay đã có 287 đơn vị cấp huyện nông thôn mới; 22 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã công nhận 13.658 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 7.643 chủ thể. Cả nước có 100 Liên hiệp hợp tác xã; 21.139 hợp tác xã nông nghiệp và 34.555 tổ hợp tác.

Đối với đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024, Bộ được giao 9.935,3 tỷ đồng (vốn trong nước 8.428,7 tỷ đồng, vốn ODA 1.506,6 tỷ đồng). Đến 31/7 đã giải ngân ước đạt 5.392,3 tỷ đồng, đạt 54,3% kế hoạch cả năm (trong khi trung bình cả nước là 33,9%; các bộ ngành: 41,5%).

NHU CẦU THỰC PHẨM TIẾP TỤC ĐƯỢC ĐẢM BẢO

Đề cập về lĩnh vực chăn nuôi, Thứ trưởng Tiến cho hay vào thời điểm cuối tháng 7/2024, ước đàn lợn tăng 3%, đàn gia cầm tăng 2,6%, đàn trâu giảm khoảng 3,6%, đàn bò giảm khoảng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả sản lượng chăn nuôi 7 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước, sản xuất thịt đạt 4,8 triệu tấn, trứng trên 20 tỉ quả, sữa 1,3 triệu tấn.

"Riêng đàn heo hiện đang có gần 30 triệu con, đàn gà 562 triệu con. Như vậy, đủ nhu cầu thực phẩm từ nay đến cuối năm. Dự kiến đầu tháng 8, Bộ sẽ tổ chức hội nghị phát triển chăn nuôi lợn từ nay đến cuối năm để làm sao đảm bảo nguồn cung cũng như phục vụ xuất khẩu”, Thứ trưởng Tiến thông tin.

 

"Tôi vừa đi kiểm tra tại Hòa Bình cho thấy có 3 trại nuôi lợn trên cùng một mảnh đất, hai trại lợn ở hai đầu có tiêm vaccine dịch tả lợn thì không sao, còn trại ở giữa không tiêm vaccine thì chết sạch".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đề cập về dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Tiến cho biết thời gian qua có một số địa phương ở phía Bắc như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình... bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Lợn bị dịch bệnh đều xảy ra ở những đàn chưa tiêm vaccine, trong khi những đàn lợn đã tiêm vaccine thì hầu như không bị dịch bệnh. 

"Dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh có ở nhiều quốc gia và Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý từ năm 2019 đến nay. Việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi là rất quan trọng, trong khi thời gian qua việc tiêm rất hạn chế. Do vậy, các địa phương cần tăng cường truyền thông đến người dân về hiệu quả của vaccine để bảo vệ đàn lợn", Thứ trưởng Tiến đề nghị  .

Đề cập nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Tiến cho hay trước hết cần tập trung giải ngân đầu tư công để cải thiện hạ tầng của ngành, từ đó tạo ra các chuỗi liên kết, kết nối từ sản xuất đến thị trường. Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Với việc sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, đường biên giới dài, thương mại sôi động thì việc phòng chống dịch bệnh cho động vật cả trên cạn lẫn dưới nước cũng như với cây trồng cần được quan tâm.

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, với động lực từ thành tự khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, ngành sẽ tập trung thúc đẩy các kết quả nghiên cứu vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm mới có chất lượng cao, có sức cạnh tranh và có giá trị gia tăng lớn trong tất cả các lĩnh vực.

Để tăng giá trị nông sản, việc thu hút, đưa thêm các doanh nghiệp vào các chuỗi liên kết cũng là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm. Song song đó là việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để có được những thương hiệu mạnh, tương xứng với sản lượng, chất lượng của nông sản Việt Nam.