08:53 03/12/2009

Sang năm, S-Fone sẽ trình Chính phủ mô hình liên doanh

Mạnh Chung

SPT và SK Telecom vừa ký kết chuyển đổi sang mô hình liên doanh và dự kiến đầu năm 2010 sẽ trình Chính phủ

"Với mô hình liên doanh, S-Fone sẽ có tư cách pháp nhân để kêu gọi vốn đầu tư, vay vốn..."
"Với mô hình liên doanh, S-Fone sẽ có tư cách pháp nhân để kêu gọi vốn đầu tư, vay vốn..."
“Khi chuyển đổi sang mô hình liên doanh, S-Fone sẽ có tư cách pháp nhân để kêu gọi vốn đầu tư, vay vốn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai thêm nhiều gói cước… Đầu năm 2010, chúng tôi sẽ trình hồ sơ liên doanh lên Chính phủ”.

Thông tin này được ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm Điện thoại di động CDMA S-Telecom khẳng định khi trao đổi với VnEconomy, sau khi SK Telecom (SKT) và Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn - Saigon Postel (SPT) vừa chính thức ký kết bản thỏa thuận nguyên tắc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hợp doanh (BBC) sang liên doanh.

Ông có thể cho biết cụ thể về kết quả ký kết chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hợp doanh sang liên giữa SPT và SK Telecom mới đây?

Ngày 20/11 vừa qua, hai bên hợp doanh SPT và SK Telecom đã thống nhất ký kết thỏa thuận nguyên tắc chuyển đổi sang hình thức liên doanh cho dự án BCC S-Telecom. Đây là bước khởi đầu cho quá trình chuyển đổi này và có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển mới cho S-Telecom, và đặc biệt là cho thương hiệu S-Fone.

Hiện tại chúng tôi đang nhanh chóng triển khai các thủ tục cần thiết và hoàn tất hồ sơ cho tiến trình này trong thời gian ngắn nhất, dự kiến hồ sơ liên doanh sẽ hoàn thành và trình Chính phủ vào đầu năm 2010. Theo đó, kết quả phê duyệt hồ sơ liên doanh sẽ có thể có vào quý 2/2010.
    
Với việc thống nhất chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hình thức liên doanh, mọi vướng mắc về trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên trong dự án trước và sau chuyển đổi đã, đang và sẽ được giải quyết theo hướng có lợi nhất cho cả hai bên và hướng tới khách hàng của mạng S-Fone.

Theo ông, việc chuyển đổi sang mô hình liên doanh sẽ có ý nghĩa như thế nào tới sự phát triển của S-Fone?

Với mô hình liên doanh, S-Fone sẽ có điều kiện để thực hiện những “bước nhảy” trong thời gian tới bằng những hoạt động đầu tư được triển khai nhanh chóng và quyết liệt hơn. Cụ thể, S-Fone sẽ có nhiều điều kiện để đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai thêm nhiều gói cước, dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ theo chuẩn 3G…

Vậy với thuê bao mạng S-Fone, với mô hình kinh doanh mới của nhà mạng, họ sẽ được lợi gì?

Thực tế, mô hình kinh doanh có thể thay đổi từ hướng này sang hướng khác nhưng thị trường và khách hàng vẫn không thay đổi. Một liên doanh ổn định về cơ cấu và quan trọng nhất là giải quyết nhanh chóng bài toán nguồn vốn sẽ tạo điều kiện để S-Telecom đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, phát triển mạnh hơn các dịch vụ viễn thông cả về số lượng và chất lượng.

S-Fone là một trung tâm trực thuộc SPT, hoạt động theo cơ chế BCC. Trong hơn 6 năm hoạt động, chúng tôi đã phải nỗ lực không ngừng để vượt qua những thách thức về nhiều mặt như đầu tư, công nghệ, trong đó có những hạn chế từ mô hình BCC trong các vấn đề pháp lý, vốn đầu tư, cơ chế điều hành…

Vì mô hình BCC không được phép vay vốn hoặc kêu gọi đầu tư trực tiếp từ nguồn khác, trong khi đó, S-Fone đã triển khai hết các nguồn lực đầu tư và các điều kiện cam kết của hai bên theo BCC từ năm 2005.

Chính vì thế từ năm 2007 đến nay, S-Fone đã không có nguồn vốn để mở rộng mạng lưới, nâng cấp hệ thống mạng và cơ sở hạ tầng cũng như triển khai các dịch vụ, gói cước mới hay các chương trình chăm sóc khách hàng quy mô lớn.

Nhưng với mô hình liên doanh, trong tương lai, S-Fone sẽ có mặt bằng pháp lý tốt hơn để hoạt động, có tư cách pháp nhân để kêu gọi vốn đầu tư, vay vốn... để mở rộng hoạt động, nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai thêm nhiều gói cước, dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ theo chuẩn 3G, mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.

Vậy sau khi chuyển sang mô hình liên doanh, kế hoạch đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ sắp tới của S-Fone sẽ như thế nào?

Chúng tôi khẳng định kiên định với công nghệ CDMA luôn là cam kết của S-Fone. Bởi, CDMA là công nghệ tiên tiến với nhiều ưu thế hơn hẳn công nghệ GSM.

Riêng trong năm 2010, S-Fone sẽ đầu tư phát triển hệ thống mạng theo công nghệ CDMA 2000 1x cả về dung lượng và vùng phủ sóng, đồng thời sẽ nâng cấp EVDO từ Rev0 lên RevA/B để đảm bảo phát triển tốt các dịch vụ 3G và định hướng phát triển hội tụ 4G.

Kế hoạch nghiên cứu triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến theo chuẩn 3G trên nền công nghệ EVDO cũng sẽ được S-Fone đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tập trung củng cố chất lượng và phủ sóng rộng hơn dịch vụ Mobile Internet, mở rộng dịch vụ chuyển vùng quốc tế đến các thuê bao trả trước và triển khai dịch vụ tin nhắn thoại.

Ông nhận định như thế nào về thị trường cho S-Fone cũng như mục tiêu của S-Fone, khi mà các nhà mạng lớn như MobiFone, Viettel, VinaPhone đã “phủ sóng” lượng lớn thuê bao và đang đẩy mạnh những chính sách để thu hút lượng thị phần còn lại?

Theo đánh giá của một số chuyên gia, thị trường viễn thông hiện nay đã gần đến mức bão hoà và các nhà mạng lớn như MobiFone, Viettel, VinaPhone đang đẩy mạnh chính sách thu hút lượng thị phần còn lại. Theo tôi, trong năm 2010, sức ép cạnh tranh này sẽ càng gia tăng. Tuy nhiên, quan điểm chúng tôi là cạnh tranh lớn tuy là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho mỗi doanh nghiệp.

Tôi tự tin vào công nghệ CDMA và các dịch vụ giá trị gia tăng, đặc biệt là các dịch vụ 3G mà S-Fone đã triển khai từ năm 2006, khi nâng cấp thành công hệ thống lên chuẩn EVDO và trở thành mạng di động 3G đầu tiên ở Việt Nam.

Ngoài ra, với mô hình liên doanh mới, S-Fone sẽ không chỉ phục vụ tốt các thuê bao hiện hữu bằng chất lượng dịch vụ và lợi ích ngày càng gia tăng mà còn có thể gia tăng các thuê bao mới bằng những bước phát triển đột phá.