Sao, chụp tài liệu mật phải ghi vào "Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước"
"Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải tiến hành ở nơi bảo đảm an toàn"
"Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải tiến hành ở nơi bảo đảm an toàn do lãnh đạo của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước quy định. Việc sao, chụp phải được ghi vào "Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước".
Nội dung trên được đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước do Bộ Công an soạn thảo lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
Theo dự thảo, tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sau khi được sao, chụp phải đóng dấu sao, chụp hoặc có văn bản ghi nhận việc sao, chụp. Mẫu dấu sao, chụp bí mật nhà nước; sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước và vị trí đóng dấu sao, chụp được thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
Mặc dùng để đóng các loại con dấu chỉ độ mật là mực màu đỏ. Mẫu dấu chỉ độ mật, văn bản xác định độ mật và vị trí đóng dấu chỉ độ mật được thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
Việc giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện như sau: Trước khi giao, tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải vào "Sổ quản lý bí mật nhà nước đi". Đối với tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có độ "Tuyệt mật" chỉ ghi trích yếu khi người có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước đồng ý.
Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải làm bì hoặc đóng gói riêng. Giấy làm bì phải dùng loại giấy dai, bền, khó thấm nước, không nhìn thấu qua được; hồ dán phải dính, khó bóc.
Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc độ "Tuyệt mật" phải được gửi bằng hai lớp phong bì: Bì trong ghi rõ số, ký hiệu của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, tên người nhận, đóng dấu Tuyệt mật ở ngoài bì; trường hợp gửi đích danh người có trách nhiệm giải quyết thì đóng dấu "Chỉ người có tên mới được bóc bì". Bì ngoài ghi như gửi tài liệu thường và đóng dấu ký hiệu chữ "A".
Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ "Tối mật" và "Mật" được gửi bằng một lớp bì, bên ngoài bì có đóng dấu chữ "B" và chữ "C" tương ứng với độ mật của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bên trong. Việc giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được quản lý bằng "Sổ chuyển giao bí mật nhà nước".
Theo dự thảo, người nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải vào "Sổ quản lý bí mật nhà nước đến".
Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước mà phong bì có dấu "Chỉ người có tên mới được bóc bì", người nhận vào sổ theo ký hiệu ngoài bì, không được mở bì và phải chuyển ngay đến người có tên trên phong bì. Nếu người có tên trên phong bì đi vắng và trên phong bì có thêm dấu "Hỏa tốc" thì chuyển đến lãnh đạo cơ quan, tổ chức hoặc người được lãnh đạo cơ quan, tổ chức ủy quyền giải quyết.
Dự thảo cũng quy định, người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước được bố trí tại Văn phòng hoặc đơn vị hành chính, tổng hợp thuộc các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; người kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước được bố trí tại các đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.
Người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách và kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước phải đáp ứng tiêu chuẩn sau: Có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ tiêu chuẩn chính trị, có kiến thức pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời có trách nhiệm giữ gìn bí mật nhà nước; phục tùng sự phân công, điều động của cơ quan, tổ chức và thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.