Sau loạt "ông lớn" tự giác nộp thuế, Tổng cục Thuế nghĩ cách quản các sàn thương mại điện tử
Sau hơn 5 tháng vận hành cổng thông tin dành cho nhà cung cấp nước ngoài, có 30 đơn vị tự nguyện kê khai và nộp thuế hơn 520 tỷ đồng. Để tiếp tục quản chặt thuế trong lĩnh vực này, Tổng cục Thuế đang xây dựng cổng thông tin để tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử...
Phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi viết về thuế với thương mại điện tử do Tạp chí Thuế tổ chức chiều ngày 12/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, cho biết cơ quan thuế triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Cụ thể, thứ nhất, về xây dựng, hoàn thiện chính sách quản lý thuế, tại Luật Quản lý thuế số 38/2019 ngày 13/06/2019 quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở thường trú tại Việt Nam phải trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam
Để cụ thể hoá quy định này, ngày 21/3 vừa qua, Tổng cục Thuế chính thức công bố và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Sau hơn 5 tháng triển khai, đến nay có 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước Việt Nam, với tổng số thuế trên 520 tỷ đồng.
Cùng với đó, Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á triển khai thành công việc khẳng định quyền đánh thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hàng loạt nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn hàng triệu USD như: Microsoft, Facebook, Netflix, TikTok, eBay...
"Trên cơ sở thành công bước đầu từ việc đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế đang tiếp tục xây dựng Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử để tiếp nhận thông tin, dữ liệu từ các sàn thương mại điện tử nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý thuế đối với hoạt động này", Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ số trên các nền tảng như Facebook, Google…
Theo đó, Cục Thuế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đưa gần 8.000 cá nhân và trên 4.500 tổ chức có thu nhập từ hoạt động này để thực hiện công tác quản lý thuế. Qua công tác quản lý thuế, tăng thu ngân sách nhà nước số tiền trên 900 tỷ đồng.
Thứ ba, Tổng cục Thuế báo cáo Bộ Tài chính thực hiện ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công thương, Bộ Thông tin & Truyền thông để thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử biết và chấp hành, thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
"Việc phát động cuộc thi viết về thuế với thương mại điện tử cũng là một trong các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa đến đa dạng các đối tượng người nộp thuế qua đó trang bị, bổ sung kiến thức để các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức chấp hành tốt pháp luật về thuế", Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay.
Theo đánh giá của ban tổ chức, các đề cử của giải thưởng năm nay bao quát rộng khắp thực trạng hoạt động thương mại điện tử và chính sách pháp luật quản lý thuế trong lĩnh vực này; làm rõ các phương thức giao dịch, phương tiện thanh toán; quy mô hoạt động của các ngành, lĩnh vực có hoạt động thương mại điện tử.
Từ đó đề xuất những giải pháp, giúp cơ quan thuế nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các giải pháp đưa chính sách thuế với thương mại điện tử phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Tại lễ trao giải cuộc thi “Cuộc thi viết về thuế với thương mại điện tử”, ban tổ chức trao giải thưởng cho 38 tác phẩm dự thi, gồm: 03 giải A; 05 giải B; 10 giải C; 20 giải khuyến khích. Có 05 đơn vị trao giải tập thể do có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt và có tối thiểu 01 tác phẩm đạt giải.