16:30 25/09/2021

Sau nới lỏng giãn cách, giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh

Mạnh Đức

Chiều 25/09/2021, liên Bộ Công Thương-Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 573 đồng/lít, lên 20.716 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 548 đồng/lít, 21.945 đồng/lít…

Giá xăng dầu tăng từ 15h00, ngày 25/09/2021.
Giá xăng dầu tăng từ 15h00, ngày 25/09/2021.

Trong kỳ điều chỉnh này, liên Bộ quyết định thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng RON95 ở mức 150 đồng/lít, dầu diesel ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít, dầu mazut ở mức 100 đồng/kg.

Đồng thời chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 850 đồng/lít; xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut không chi.

Như vậy, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng E5RON92: không cao hơn 20.716 đồng/lít (tăng 573 đồng/lít so với giá hiện hành, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ Bình ổn giá 850 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.423 đồng/lít và giá bán là 21.566 đồng/lít);

Xăng RON95-III: không cao hơn 21.945 đồng/lít (tăng 548 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.586 đồng/lít (tăng 564 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Dầu hỏa: không cao hơn 15.643 đồng/lít (tăng 561 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.580 đồng/kg (tăng 628 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng 01/2021-9/2021
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng 01/2021-9/2021

Giải thích nguyên nhân tăng giá xăng dầu trong nước, liên Bộ cho biết thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng lệnh cấm đi lại, chuẩn bị nguồn cung cho mùa lạnh trong khi giá khí đốt tăng mạnh.

Bên cạnh đó, tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh, nguồn cung bị gián đoạn do ảnh hưởng của hai cơn bão tại vịnh Mexico, OPEC+ thận trọng trong việc gia tăng sản lượng, đồng USD giảm giá... Các yếu tố này đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực hơn, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp tại TP.HCM, Bình Dương và nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là tại các tỉnh phía Nam.

 
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này, nếu không tiếp tục chi Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 850 đồng/lít, giá xăng E5RON92 sẽ tăng 1.423 đồng/lít so với giá hiện hành. 

Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá ở mức cao.

Theo liên Bộ, duy trì công cụ Quỹ bình ổn giá để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng.

Căn cứ tình hình thực tế của Quỹ bình ổn giá tại thời điểm hiện nay, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định tiếp tục chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức cao và điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.