20:04 12/08/2021

Đến lượt xăng dầu “kêu cứu” vì Covid-19

Huyền Vy

Bộ Công Thương sẽ làm hết trách nhiệm nhằm đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong nước, tìm mọi giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đảm bảo lợi ích cho nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng…

Cuộc họp giữa Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh, sản xuất xăng dầu ngày 12/8/2021.
Cuộc họp giữa Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh, sản xuất xăng dầu ngày 12/8/2021.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp ngày 12/8/2021 với một số thương nhân đầu mối kinh doanh, sản xuất xăng dầu nhằm bàn về các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm xăng dầu thành phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp.

TIÊU THỤ XĂNG DẦU SỤT GIẢM

Ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ khiến nhu cầu đi lại, tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa giảm sâu, tồn kho xăng dầu tăng cao tại cả kho của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và kho của hai Nhà máy lọc dầu trong nước.

 
Sản lượng tiêu thụ mặt hàng xăng E5 RON92 và dầu DO 0.05% bằng khoảng 50% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6/2021; mặt hàng xăng RON95 bằng khoảng 30% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6/2021.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết trước tình hình dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp và việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại nhiều tỉnh, thành phố lớn khiến tình hình kinh doanh các sản phẩm xăng dầu của Petrolimex sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ mặt hàng xăng E5 RON92 và dầu DO 0.05% bằng khoảng 50% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6/2021; mặt hàng xăng RON95 bằng khoảng 30% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6/2021 và tiếp tục giảm nếu các địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tình hình sụt giảm tiêu thụ xăng dầu của thị trường nội địa khiến Petrolimex buộc phải hạn chế tiếp nhận xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu, dừng nhập khẩu các mặt hàng mà hai nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất được do tồn kho tăng cao.

SẼ CÓ GIẢI PHÁP TIÊU THỤ CHO HAI NHÀ MÁY LỌC DẦU

Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết ngày 4/8/2021, Bộ Công Thương đã có văn bản số 4686/BCT-TTTN gửi các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về việc bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trong nước.

 
Vụ Thị trường trong nước sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu căn cứ vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế tại đơn vị để điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu xăng dầu phù hợp, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu bán ra thị trường theo các quy định hiện hành; Bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại các điểm bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.

Bày tỏ sự chia sẻ với các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất xăng dầu trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị của Bộ Công Thương, đồng thời nhấn mạnh Bộ Công Thương sẽ làm hết trách nhiệm nhằm đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong nước, tìm mọi giải pháp để hỗ trợ PVN, hai nhà máy lọc dầu, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đảm bảo lợi ích cho nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 
Theo báo cáo của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, do Covid-19 bùng phát, sản lượng tiêu thụ giảm, nhà máy tồn 200.000 m3 xăng dầu thành phẩm, tương đương với 1,2 triệu thùng và 400.000 m3 dầu thô.
Trước thực trạng này, BSR đã giảm công suất nhà máy xuống 90% từ ngày 3/8; đồng thời gửi kho 25.000 m3 xăng, và đang có kế hoạch gửi tiếp 100.000-120.000 m3 trong tháng 8 này. Tồn kho sản phẩm tăng cao khiến nhà máy đối diện với rủi ro không còn chỗ chứa sản phẩm; nguy cơ dừng hoạt động.