15:04 20/04/2017

Sau thất bại, BIDV “dàn trận” quyết tăng vốn

Nhật Nam

Sau thất bại 2016, BIDV tiếp tục dàn các phương án để tăng được vốn điều lệ năm nay

BIDV tiếp tục theo đuổi chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay, sau khi đã không thể thực hiện trong năm 2016.
BIDV tiếp tục theo đuổi chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay, sau khi đã không thể thực hiện trong năm 2016.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên 2017, với loạt phương án tăng vốn điều lệ.

Mức vốn điều lệ của BIDV tại thời điểm 31/12/2016 là 34.187 tỷ đồng, ứng với hệ số an toàn vốn (CAR) 10,19%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo tiêu chuẩn cao hơn của Basel 2 từ năm nay, hệ số này sẽ bị ảnh hưởng và hạn chế trong mở rộng hoạt động kinh doanh.

Trong năm qua, hướng tăng vốn của BIDV thất bại ở chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu, cũng như không thể bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, năm nay ngân hàng này tiếp tục dự kiến kế hoạch tăng được khoảng 4.445 tỷ đồng, để vốn điều lệ cuối 2017 có thể lên 38.632 tỷ đồng (tăng 13% so với 2016.

Một loại cách thu hút vốn đang được đặt ra, gồm thu hút nguồn lực của người lao động qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với 102.600.000 cổ phần; phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016 239.309.000 cổ phần, ứng với tỷ lệ 7%; phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 102.600.000 cổ phần.

Như vậy, BIDV tiếp tục theo đuổi chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay, sau khi đã không thể thực hiện trong năm 2016.

Về phát hành riêng lẻ, trong năm 2016 ngân hàng này cũng thất bại ở định hướng tìm kiếm và bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Và năm nay định hướng cũng dự kiến phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài “khi có điều kiện thuận lợi”.

Ngoài ra, để tăng tính linh hoạt cho kế hoạch tăng vốn, căn cứ tình hình cụ thể của thị trường BIDV sẽ có phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi phù hợp.