07:25 09/10/2024

Sau thời gian dài ôm tiền mặt kỷ lục, SGI Capital đã bớt tiêu cực, bắt đầu "xuống tiền"

Tuệ Lâm

Sau một thời gian dài nắm giữ tiền mặt cao kỳ lục, quỹ đầu tư cổ phiếu Ballad Việt Nam của SGI Capital đã chính thức giải ngân trong tháng 9 vừa qua.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tỷ trọng tiền mặt của quỹ giảm từ 75,4% trong tháng 8 xuống còn 65,3% trong tháng 9 vừa qua. Trong đó, quỹ mua mới cổ phiếu VCB với tỷ trọng lớn thứ hai trong danh mục 6,8% và PNJ với tỷ trọng 3,33%. Các cổ phiếu còn lại như cũng được mua bổ sung như TLG, BWE, DBD...

Những tháng trước đó, SGI Capital có góc nhìn rất xấu về nhóm ngân hàng. Quỹ này cho rằng ngành ngân hàng đang trải qua giai đoạn tăng trưởng tín dụng thấp, huy động kém cũng đẩy lãi suất lên làm giảm NIM. Nợ xấu vẫn có xu hướng tăng khiến nhu cầu trích lập dự phòng tăng theo. 

THANH KHOẢN THẤP DO THIẾU CƠ HỘI HẤP DẪN

Nhận định chung về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam, SGI Capital cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục tốt với các chỉ tiêu như GDP quý 3 tăng mạnh 7,4%, FDI, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng tích cực. Tuy chi tiêu tiêu dùng, đầu tư công và đơn hàng xuất khẩu theo PMI có dấu hiệu chậm lại, kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt kế hoạch cả năm ở các chỉ tiêu chính như tăng trưởng GDP, lạm phát và ổn định tỷ giá.

FED cắt 0,5% lãi suất đã giảm bớt sức ép cho SBV, giúp VNĐ lên giá và lãi suất huy động ngân hàng bớt áp lực tăng. Tuy vậy, tỷ giá USD/VND vẫn còn cách rất xa mức SBV có thể mua ròng USD. Lãi suất liên ngân hàng vẫn neo ở vùng 4% cũng cho thấy thanh khoản hệ thống chưa có nhiều cải thiện.

Tín dụng toàn hệ thống tới cuối tháng 9 đạt 9% trong khi huy động chỉ đạt gần 5% cho thấy hệ thống ngân hàng vẫn đang gặp vấn đề với khả năng huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Sự nóng lên gần đây của thị trường bất động sản có thể khiến cầu tín dụng và áp lực thanh khoản tăng lên vào cuối năm.

Nhìn chung, quỹ cũng không lạc quan về triển vọng lợi nhuận hệ thống ngân hàng trong 12-24 tháng tới. Những ngân hàng đang ưu tiên tăng trưởng tín dụng và quá tập trung vào các khu vực bất động sản có thể sẽ phải đánh đổi với sự suy giảm của thanh khoản, NIM và gia tăng nợ xấu trong tương lai.

Dưới tác động của đợt giảm lãi suất mạnh từ FED và gói kích thích kinh tế lớn của Trung Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 9 đã có những chuyển biến tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng, đồng thời
kích hoạt dòng tiền nội hứng khởi tham gia khiến thanh khoản tăng mạnh vào cuối tháng.

Việc bất động sản thực nóng lên đang là tâm điểm hút dòng tiền nội. Thanh khoản của thị trường chứng khoán bởi vậy khó cải thiện nếu thiếu dòng tiền ngoại mua ròng mạnh. Trong chu kỳ 2010 - 2011, thị trường bất động sản phía Bắc xảy ra sốt nóng cũng đồng thời với giai đoạn thanh khoản của thị trường chứng khoán cạn kiệt và lãi suất ngân hàng nhích tăng. USD index tăng lại gần đây cũng đang khiến dòng tiền nóng đảo chiều quay lại bán ròng các thị trường trong khu vực ngoại trừ Trung Quốc.

Sau thời gian dài ôm tiền mặt kỷ lục, SGI Capital đã bớt tiêu cực, bắt đầu "xuống tiền" - Ảnh 1

"Thị trường chứng khoán không kéo dài sự tích cực với thông tin vĩ mô tốt trong tháng 9 phần nào thể hiện sự khó khăn trong việc thu hút dòng tiền mới trong bối cảnh khan hiếm các cơ hội hấp dẫn", SGI Capital nhấn mạnh.

CHỨNG KHOÁN MỸ TIỀM ẨN RỦI RO KHI BẦU CỬ TỔNG THỐNG ĐẾN GẦN

Đối với thị trường quốc tế, các dữ liệu về việc làm cho thấy kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng và rủi ro suy thoái chưa rõ nét. Việc FED mạnh tay hạ lãi suất 0,5% mang lại bất ngờ tích cực cho các NHTW toàn cầu cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Các loại lãi suất thực như cho vay mua nhà, lợi tức trái phiếu nhóm doanh nghiệp có rủi ro cao đều hạ, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các hoạt động kinh tế và thị trường việc làm.

Mặc dù vậy, Chủ tịch FED tuyên bố chưa nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ mà chỉ điều chỉnh lãi suất về mức trung tính. Dù hạ lãi suất, bảng cân đối tài sản của FED tiếp vẫn tục thu hẹp. Thị trường đã kỳ vọng FED giảm sẽ tiếp 0,5% lãi suất vào tháng 11, đồng USD cũng như lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã phản ánh trước kỳ vọng nới lỏng và vì vậy không còn nhiều dư địa giảm trong một vài tháng tới.

Thị trường chứng khoán Mỹ tháng này lên đỉnh mới nhờ ba lực đẩy: FED giảm mạnh lãi suất giúp nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ bớt áp lực thanh khoản; Lượng mua lại cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ vẫn rất cao; và Nhờ lãi suất hạ, đự kiến lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp ngoài công nghệ có thể hồi phục tốt trong 2025. Việc hạ lãi suất của FED và USD Index giảm mạnh cũng khiến dòng tiền chuộng rủi ro chảy mạnh vào các thị trường mới nổi trong tháng 9, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc là tâm điểm của thế giới trong tuần cuối tháng 9 khi đưa ra những biện pháp kích thích mạnh, được ví như khoảnh khắc “Whatever it takes” của châu Âu 2012. Những biện pháp này cần thời gian để thẩm thấu vào kinh tế thực, nhưng thị trường tài chính đã phản ánh ngay khi các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc và Hồng Kông đều tăng trên 25%. Việc này đồng thời tạo áp lực ngắn hạn hút tiền khỏi một số thị trường khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia… để dồn qua Trung Quốc.

Cuối cùng, SGI Capital cho rằng, chỉ số điều kiện tài chính hiện đang ở mức nới lỏng nhất của hai năm qua chưa phải do việc bơm tiền của các NHTW. Bảng cân đối của các NHTW phần lớn đều tiếp tục giảm (FED, ECB) hoặc đi ngang (BoJ). Thanh khoản của thị trường tài chính chủ yếu đến từ vòng quay tiền tăng mạnh nhờ nhóm doanh nghiệp lớn mua lại cổ phiếu và sự lạc quan khiến dòng tiền đầu tư/đầu cơ được bung ra đón đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ.

Những sự lạc quan này có thể đã tới mức cực đại và đang đi trước xa hơn thực tế chính sách, phản ánh vào mức định giá cao của thị trường chứng khoán Mỹ và tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh khi cuộc bầu cử tới gần.