Sau Vietnam Airlines, các hãng bay khác cũng xin được vay ưu đãi hàng chục ngàn tỷ đồng
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp hàng không về hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, trong đó có vận tải hàng không đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, như hoãn, giảm thuế phí, giảm lãi vay, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng.
Cụ thể, sau khi tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan trong ngành, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021.
Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét các kiến nghị khác của doanh nghiệp hàng không về hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ…
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tới nay Vietnam Airlines là hãng duy nhất được Quốc hội và Chính phủ chấp thuận cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi do đây là doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối. Lãi suất khoản vay này được tính bằng lãi suất thấp nhất Vietnam Airlines huy động được trên thị trường, phần lãi được hãng trả nhà nước bằng cổ phiếu.
Sau khi Vietnam Airlines được nhận hỗ trợ, 2 hãng hàng không tư nhân là Vietjet và Bamboo Airways, dù năm 2020 báo lãi, vẫn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay ưu đãi với mức ưu đãi tương tự Vietnam Airlines.
Trong đó, VietJet Air kiến nghị Chính phủ cho vay 4.000-5.000 tỷ đồng, kỳ hạn vay tới năm 2023, với lãi suất khoảng 4%/năm.
Bamboo Airways kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho hãng vay khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, có cơ chế để các ngân hàng thương mại cho hãng được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi; cho hãng được vay thêm 5.000 tỷ đồng qua hình thức tái cấp vốn với lãi suất 0%/năm.
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ có thêm giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam. Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ có gói tài chính khoảng 25.000 – 27.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không vay với lãi suất ưu đãi.
Ngoài ra, các hãng hàng không bao gồm Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air đều đã có văn bản xin hỗ trợ từ Chính phủ. Trọng tâm của đề xuất từ các doanh nghiệp ngành hàng không tập trung vào việc hỗ trợ tín dụng để vượt qua khó khăn trước mắt.
Đồng thời, từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài vào Việt Nam khi có chứng nhận tiêm vaccine, đặc biệt là khách từ các quốc gia có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như Châu Âu, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…