Sẽ có hướng dẫn "cầm tay, chỉ việc" để hỗ trợ các bệnh viện đấu thầu
Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng Sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng trong thực tiễn...
Bộ Y tế cho biết Luật Đấu thầu 2023 nhanh chóng đi vào cuộc sống với Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ, đã giải quyết được những nút thắt khó nhất của ngành Y tế trong việc cung ứng đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác khám, chữa bệnh.
NHIỀU QUY ĐỊNH "CỞI TRÓI" CHO CÔNG TÁC ĐẤU THẦU
Là người trực tiếp tham gia vào quy trình đấu thầu, mua sắm thuốc tại đơn vị, Thạc sĩ Trần Thị Trà Giang, Trưởng Đơn vị Quản lý đấu thầu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mỗi năm, bệnh viện triển khai khoảng 400 gói thầu. Trong 9 tháng năm 2024, bệnh viện đã triển khai thực hiện 283 gói thầu nhằm phục vụ hoạt động toàn viện, trong đó bao gồm cả đấu thầu cho hoạt động tại nhà thuốc.
Theo bà Giang, văn bản được đánh giá là “cởi mở” nhất đúng thời điểm nóng của công tác đấu thầu, chính là Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023. Nghị quyết 30 được ban hành rất nhanh với những nội dung được cho là tháo gỡ điểm nghẽn nhất trong đấu thầu là không cần 3 bảng báo giá cho một mặt hàng.
Sau này, Nghị quyết 30 được luật hóa trong Luật Đấu thầu 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, và các Thông tư hướng dẫn, đã giúp các bệnh viện được “cởi trói” trong công tác đấu thầu, mua sắm. Điều 16 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP cũng đã mở ra hướng cho các bệnh viện nhiều phương pháp lấy giá.
“Riêng với thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế,… cho phép cơ sở y tế có thể lấy báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn, để có thể lựa chọn được danh mục hàng hóa đáp ứng được nhu cầu phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Đây là một ưu tiên rất lớn cho ngành Y tế, và là điểm sáng nhất trong các văn bản pháp luật mới ban hành”, bà Giang nói thêm.
Theo ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM, Luật Đấu thầu 2023 giải quyết được nhiều khó khăn, đặc biệt với cơ sở có năng lực đấu thầu hạn chế, hoặc số lượng danh mục thuốc ít.
Khoản 3, Điều 53 của Luật cho phép cơ sở y tế cùng với nhau đấu gộp để lựa chọn được nhà thầu cung ứng thuốc. Ngoài ra, trong trường hợp không gộp được nhu cầu của các cơ sở y tế, thì các bệnh viện báo cáo Sở Y tế, Bộ Y tế đứng ra đấu thầu, để cuối cùng có thuốc cho cơ sở công lập, phục vụ người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
Với Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh của Bộ Y tế mới ban hành ngày 18/10/2024, ông Danh đánh giá, văn bản đã “bịt lỗ hở” cho bệnh viện trong công tác mua sắm có giai đoạn chuyển tiếp. Mục tiêu cuối cùng là hướng tới đáp ứng yêu cầu cao nhất của người bệnh có bảo hiểm y tế.
Điều này đã đáp ứng thực tiễn trong một số trường hợp có giai đoạn bệnh viện không đủ thuốc, gián đoạn cung ứng giữa 2 gói thầu, hoặc trường hợp người bệnh đến cao hơn thực tế, hoặc có bệnh phát sinh không nằm trong danh mục thuốc, thì việc chi trả cho người bệnh bảo hiểm y tế có thuốc điều trị là sát thực tiễn, phù hợp với chi trả của cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, quy định cũng đặt ra khó khăn với cơ quan chi trả là thực tế có thiếu thuốc bảo hiểm hay không; không có thuốc khác thay thế hay không.
“Điều này cần được xem xét phù hợp, tránh việc các bệnh viện không bảo đảm cung ứng thuốc thông thường để người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, rồi đến cơ quan bảo hiểm chi trả. Mặc dù có hướng mở ra nhưng chúng ta cũng cần có giải pháp tránh việc lạm dụng, lấy cớ né trách nhiệm mua sắm không phù hợp”, ông Danh cho hay.
TIẾP TỤC RÀ SOÁT ĐỂ SỬA ĐỔI CÁC VƯỚNG MẮC
Để triển khai thực hiện Luật Đấu thầu 2023, ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho biết thời gian qua, Bộ này liên tiếp tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến những quy định mới của pháp luật về đấu thầu cả trực tiếp và trực tuyến đến từng cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Bộ đã làm việc trực tiếp với một số cơ sở y tế địa phương.
Theo ông Cương, qua kiểm tra rà soát, Bộ Y tế thấy rằng có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện. Nguyên nhân là trong đầu năm 2024, các bệnh viện áp dụng Luật Đấu thầu mới, nên việc áp dụng còn chậm trễ. Mặt khác, một số gói thầu đưa ra những quy định chưa phù hợp, dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu, phải hủy thầu để đấu thầu lại.
“Về cơ bản các vướng mắc chủ yếu từ phía cơ sở y tế trong quá trình thực thi là do chưa có cách hiểu thống nhất. Một số địa phương đã ban hành quy định phân cấp triệt để cho các cơ sở y tế, các bệnh viện quyết định việc mua sắm, nhưng cũng có một số địa phương lại phân cấp ở mức vừa phải. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian mua sắm vì phải qua các bước trình duyệt, thẩm định trung gian”, ông Cương nói.
Ông Hoàng Cương cho biết thêm những vướng mắc phát sinh kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành, không phải là nguyên nhân chủ chốt. Bằng chứng là rất nhiều địa phương, bệnh viện đã đấu thầu và không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, một số bệnh viện khác lại xảy ra vướng mắc.
Cũng theo ông Cương, các khó khăn của địa phương tập trung chủ yếu xoay quanh các nội dung như: Thủ tục thẩm định, phê duyệt tại một số địa phương còn phức tạp; có địa phương còn chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm.
Việc thu thập báo giá, thông tin để xác định giá gói thầu còn có cách hiểu chưa thống nhất, như việc xác định giá gói thầu theo báo giá cao nhất, thấp nhất hay trung bình; khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu.
Ngoài ra, một số bệnh viện chưa mạnh dạn quyết định mua sắm cho 2-3 năm, thay vì chỉ đấu thầu theo từng năm như trước đây…
Hiện Chính phủ giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ tiếp tục rà soát, để đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền đối với nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc, hoặc chưa phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng Sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.
“Chúng tôi đang triển khai nhiệm vụ này. Sắp tới, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp vướng mắc của các bệnh viện để ban hành sổ tay, theo tinh thần cầm tay chỉ việc. Các bệnh viện có thể tham khảo để thực hiện đấu thầu, mua sắm. Tránh việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đẩy nhiệm vụ của mình lên cấp trên", ông Cương cho biết thêm.