Sẽ có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược
Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước, là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành Dược Việt Nam trong thời gian tới, theo Bộ Y tế…
Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước phát triển.
SẢN XUẤT ĐƯỢC NHIỀU THUỐC ĐẶC TRỊ
Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, ngành công nghiệp dược Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận: Thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 46,7% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng, ngành dược trong nước đã sản xuất được nhiều thuốc chuyên khoa đặc trị như thuốc tim mạch, thuốc ung thư, thuốc điều trị gan,... thuốc sản xuất trong nước phủ được 27/27 nhóm tác dụng dược lý.
Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước, trong đó hướng đến sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc chuyên khoa đặc trị, vaccine, sinh phẩm là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành Dược Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Về mục tiêu, đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường; mục tiêu đến năm 2030 thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Về các giải pháp, ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao theo quy định của pháp luật. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự.
Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc. Quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu...
Song song với các định hướng, chính sách ưu đãi trên, Bộ Y tế cũng đang rà soát, hoàn thiện và trình các cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản từ Luật Dược, Nghị định hướng dẫn đến các văn bản hướng dẫn để đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công khai, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nền công nghiệp dược Việt Nam trong thời gian tới.
NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP DƯỢC
Để hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước phát triển, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược, trong đó nêu rõ: “nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia”.
Đồng thời đưa ra nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về giải pháp về thể chế, pháp luật; giải pháp về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; giải pháp về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế; giải pháp thông tin và truyền thông.
Bộ Y tế cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TT ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền.
Trong đó, tăng tỉ lệ khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại ở tất cả các tuyến; đến năm 2025: Tuyến Trung ương đạt 15%; tuyến tỉnh đạt 20%; tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã đạt 30%. Đến năm 2030: Tuyến Trung ương đạt 20%; tuyến tỉnh đạt 25%; tuyến huyện đạt 30% và tuyến xã đạt 40%.
Đồng thời, tăng tỉ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc đến năm 2025 tối thiểu là 20% và đến năm 2030 là 30%. Trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, mỗi năm phê duyệt và triển khai 5 đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về y dược cổ truyền.
Bộ Y tế và các địa phương cũng tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, tại tiểu dự án 2 với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp vốn ngân sách là 60 tỷ/điểm dự án và vốn vay ưu đãi 96 tỷ với lãi suất ưu đãi 3,96% thu hút được doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BYT hướng dẫn triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về giống, vốn, khoa học công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển dược liệu.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, tiến hành trao giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” và có nhiều chính sách đặc thù từ nuôi trồng, thu hái, sản xuất, sơ chế, chế biến, sản xuất, đấu thầu.
Ngày 12/3/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó phân nhóm riêng đối với các thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu mà trong thành phần công thức thuốc có toàn bộ dược liệu đươc cơ quan quản lý dược Việt Nam công bố đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới), hoặc trong thành phần công thức thuốc có từ 50% số lượng thành phần dược liệu trở nên đươc cơ quan quản lý dược Việt Nam công bố đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP.