Việt Nam sẽ tham gia thị trường thảo dược toàn cầu
Việt Nam hiện đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu có thế mạnh như quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng...
Thông tin được Bộ Y tế cho biết tại cuộc họp báo cung cấp thông tin y tế sáng 24/3. Đại diện Bộ Y tế đã làm rõ hơn về những yêu cầu, tiêu chuẩn cơ bản để Việt Nam tham gia vào thị trường này.
Ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, y dược cổ truyền, cho biết Việt Nam được đánh giá có nhiều nguồn thảo dược đa dạng, phong phú, quý hiếm. Việt Nam cũng đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng...
Theo dự báo của các đơn vị, tổ chức quốc tế đến năm 2030 thị trường dược liệu toàn cầu sẽ đạt mức 400 tỷ USD.
Theo ông Ngọc, để Việt Nam tham gia được thị trường thảo dược toàn cầu cần đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng, phải đầu tư về khoa học, công nghệ, giống, vốn để phát triển được nguồn dược liệu năng suất và chất lượng cao, từ đó cạnh tranh được trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần có các quy mô đủ lớn để đáp ứng yêu cầu sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, cũng như phải tuân thủ được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển cho các loại dược liệu; các chứng nhận hữu cơ theo yêu cầu, an toàn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng là cần kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu theo yêu cầu về sản xuất dược liệu hữu cơ, sản xuất dược liệu sạch. Trong thời gian này, cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu để đa dạng hóa, gia tăng các chuỗi giá trị của các sản phẩm về dược liệu, bao gồm các sản phẩm về thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, sản phẩm về sức khỏe hay hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có những giải pháp như từng bước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ dược liệu, để đảm bảo các nhà mua hàng có thể truy xuất được xuất xứ của dược liệu cụ thể.
Cùng với đó là xây dựng các vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới). Từ đó tiến tới các dược liệu hữu cơ, đảm bảo đầu ra tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước, cũng như các giới hạn vi sinh vật, giới hạn bảo vệ thực vật.
Giải pháp nữa cũng được tính đến là tập trung đầu tư xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Trong thời gian vừa qua, với những giải pháp cụ thể, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ cùng với các Bộ, ngành ban hành Quyết định 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.
"Đây là chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp để từng bước hình thành vùng trồng dược liệu quý với mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư vào vùng trồng này khoảng 60 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đầu tư ở các vùng này sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,96%/năm trong thời gian 3 năm", Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, y dược cổ truyền Trần Minh Ngọc cho biết.