09:46 07/05/2025

Sẽ có thêm nhà hàng Michelin cho Việt Nam?

Băng Hảo

Từ 103 cơ sở ăn uống được công bố lần đầu tiên vào năm 2023, đến năm 2024, cẩm nang ẩm thực Michelin Guide đã giới thiệu 164 cơ sở. Con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên trong lần công bố thứ 3 - năm 2025...

Sau hai năm Michelin Guide vào Việt Nam, Tầm Vị là nhà hàng cơm Việt vẫn giữ được một sao.
Sau hai năm Michelin Guide vào Việt Nam, Tầm Vị là nhà hàng cơm Việt vẫn giữ được một sao.

Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu thông qua việc liên tục góp mặt trong các giải thưởng quốc tế uy tín. Trong đó, hai sự kiện nổi bật là Traveller Review Awards 2025 và Michelin Guide - hệ thống đánh giá ẩm thực danh giá bậc nhất thế giới.

Năm nay, Traveller Review Awards ghi nhận hơn 13.000 đối tác tại Việt Nam đạt giải, tăng mạnh so với 11.360 của năm ngoái. Bên cạnh đó, Michelin Guide 2025 tiếp tục thu hút sự chú ý khi là năm thứ hai mở rộng đến Đà Nẵng, bên cạnh hai thành phố đã được vinh danh là Hà Nội và TP.HCM. Danh sách tuyển chọn các nhà hàng năm nay được công bố vào ngày 5/6.

Tại sự kiện năm nay, danh sách các cơ sở ăn uống được Michelin Guide công bố bao gồm các hạng mục: Giải thưởng đặc biệt của Michelin (Michelin Guide Special Awards), các cơ sở ăn uống được tuyển chọn bởi Michelin (Michelin Guide Selected), các cơ sở ăn uống nhận giải thưởng Bib Gourmand cho Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Đáng chú ý, những cơ sở ăn uống nhận giải thưởng được mong đợi nhất - Sao Michelin (Michelin Star) - cũng sẽ được công bố trong dịp này.

Nhà hàng 1 sao Michelin Ănăn Saigon.
Nhà hàng 1 sao Michelin Ănăn Saigon.

Tất cả các cơ sở ăn uống trong danh sách tuyển chọn đều được các thẩm định viên ẩn danh của Michelin Guide đánh giá và xếp hạng theo 5 tiêu chí nhất quán trên toàn cầu: chất lượng nguyên liệu; tài nghệ nấu ăn; sự hài hòa hương vị; cá tính của đầu bếp được thể hiện qua món ăn; sự nhất quán của món ăn theo thời gian và trên toàn thực đơn. Những tiêu chí này được áp dụng trên tất cả các điểm đến toàn thế giới để đảm bảo tính nhất quán và công bằng trong việc tuyển chọn, phản ánh chuẩn mực quốc tế.

"Không chỉ công bố danh sách thường niên các cơ sở ăn uống tuyển chọn đạt chuẩn Michelin Guide ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng; sự kiện còn là dịp tôn vinh những thành tựu của cộng đồng ẩm thực sôi động ở 3 thành phố này; mang đến cơ hội cho các cộng đồng gắn kết và truyền cảm hứng để chinh phục những tầm cao mới", phía Michelin Guide cho biết.

Lễ công bố năm nay còn có sự góp mặt của các đầu bếp khách mời từ nhiều quốc gia trong khu vực, mang đến những trải nghiệm ẩm thực đa dạng. Từ Bangkok, nhà hàng Côte by Mauro Colagreco (2 sao Michelin), đầu bếp Davide Garavaglia, từng đoạt giải Đầu bếp trẻ Michelin Thái Lan 2023, sẽ giới thiệu các món ăn Địa Trung Hải hiện đại. Từ Hàn Quốc, đầu bếp Yun Dae-hyun và Hee-Eun Kim của nhà hàng Soul (1 sao Michelin) mang đến ẩm thực Hàn Quốc tinh tế.

Việt Nam có sự góp mặt của đầu bếp Sam Aisbett (Akuna, 1 sao Michelin); đầu bếp Quang Dũng (Chapter) với ẩm thực Việt hiện đại; Olivier Corti (Le Comptoir) giới thiệu tinh hoa ẩm thực Pháp; Madame Bình (Luk Lak Đà Nẵng) với hương vị miền Trung đậm đà bản sắc.

Nhà hàng 1 sao Michelin là Gia Restaurant.
Nhà hàng 1 sao Michelin là Gia Restaurant.

Thực tế những năm gần đây, truyền thông quốc tế thường xuyên nói về các món ăn Việt Nam, các thành phố trong nước trở thành điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới, nhiều cơ sở ăn uống Việt Nam nhận được các giải thưởng và danh hiệu quốc tế. Sự công nhận và lan tỏa của quốc tế với ẩm thực của Việt Nam góp phần thúc đẩy ngành du lịch. Michelin cho biết xu hướng các đầu bếp danh tiếng nước ngoài mở nhà hàng tại Việt Nam đang tăng.

"Việt Nam thật sự đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ ẩm thực thế giới trong mắt của du khách và thực khách," Giám đốc Quốc tế của Michelin Guides Gwendal Poullennec cho biết. Theo các chuyên gia ẩm thực, Michelin không chỉ đánh giá món ăn mà còn gián tiếp tôn vinh cả bối cảnh văn hóa lịch sử, nguyên liệu địa phương và tinh thần sáng tạo của người đầu bếp.

Việt Nam nên tận dụng sự công nhận này để phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp như hành trình trải nghiệm ẩm thực, tour ẩm thực theo dấu Michelin nhằm gia tăng chi tiêu bình quân của du khách. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành du lịch Việt đã xây dựng chiến lược, trong đó ẩm thực và du lịch di sản sẽ là hai thương hiệu mạnh. 

Cũng theo các chuyên gia, so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, Michelin ở Việt Nam đang ở trong giai đoạn mới, còn nhiều dư địa để khai thác. Dù vậy, đạt một sao Michelin là mong mỏi của nhiều nhà hàng Việt, nhưng để chạm đến hai, ba sao Michelin, ngành F&B ở Việt Nam vẫn còn đối mặt nhiều thách thức.

Nén Danang trở thành nhà hàng được Michelin trao tặng Ngôi sao xanh Michelin đầu tiên tại Việt Nam nhờ cam kết ẩm thực bền vững.
Nén Danang trở thành nhà hàng được Michelin trao tặng Ngôi sao xanh Michelin đầu tiên tại Việt Nam nhờ cam kết ẩm thực bền vững.

Chủ nhiệm cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn RMIT, Tiến sĩ Jackie Ong, cho biết thách thức lớn lâu nay đối với ngành F&B là duy trì tiêu chuẩn cao ở tất cả các cơ sở kinh doanh, từ quán ăn đường phố đến các nhà hàng cao cấp. Điều này liên quan đến yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là ở những cơ sở kinh doanh ẩm thực bình dân.

Đồng thời, các cơ sở phải duy trì chất lượng dịch vụ, hương vị, hình thức món ăn nhất quán; đầu bếp phải có cá tính riêng thể hiện qua món ăn. "Ngành F&B phải cân bằng giữa hiện đại hóa và lưu giữ bản sắc, đổi mới để đáp ứng kỳ vọng quốc tế mà không làm mất đi tinh hoa ẩm thực truyền thống Việt", Tiến sĩ Jackie Ong cho biết.

Hiện Việt Nam đã có 7 nhà hàng được gắn Sao Michelin (1 tại Đà Nẵng, 3 tại Hà Nội và 3 tại TP.HCM). Trong đó, 2 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin vào năm 2024 là Akuna (TP.HCM) và La Maison 1888 (Đà Nẵng); còn nhà hàng The Royal Pavilion (TP.HCM) được thăng hạng lên 1 sao Michelin từ danh sách Michelin Selected. Các nhà hàng 1 sao Michelin được công bố năm 2023 tại Việt Nam – bao gồm Gia, Hibana by Koki, Tầm Vị và Ănăn Saigon vẫn giữ được danh hiệu của mình.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có 1 nhà hàng đạt Sao Xanh Michelin, giải thưởng dành cho các địa điểm ẩm thực bền vững; 58 nhà hàng nằm trong danh sách Bib Gourmand (các quán ăn ngon với giá hợp lý) và 99 cơ sở được tuyển chọn bởi Michelin Guide.

 

Hệ thống sao Michelin lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1926, với một sao duy nhất biểu thị “nhà hàng rất tốt”. Ngôi sao thứ hai và thứ ba được thêm vào năm 1933, với hai ngôi sao có nghĩa là “nấu ăn tuyệt vời đáng để quay lại” và ba sao là “ẩm thực ngoại hạng, đáng để thực hiện một hành trình đặc biệt”…