Sẽ công bố nền tảng quốc gia về họp trực tuyến cho cơ quan, doanh nghiệp
Các nền tảng đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin theo cấp độ về hạ tầng kỹ thuật, lưu trữ, khai thác thông tin, dữ liệu người dùng theo các quy định của Nhà nước để tránh nguy cơ thất thoát, khai thác thông tin trái phép...
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về Họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Theo kế hoạch, các nền tảng họp trực tuyến cho cơ quan nhà nước do doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển, được triển khai trên hạ tầng kỹ thuật dùng chung của cơ quan nhà nước, phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu cơ bản và nâng cao về tính năng, chức năng, hiệu năng của Bộ tiêu chí yêu cầu kỹ thuật quy định.
Đặc biệt phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin theo cấp độ về hạ tầng kỹ thuật, lưu trữ, khai thác thông tin, dữ liệu người dùng theo các quy định của Nhà nước để tránh nguy cơ thất thoát, khai thác thông tin trái phép. Hỗ trợ nhiều phương thức kết nối đầu cuối trong họp trực tuyến giúp tận dụng đầu cuối sẵn có để tối ưu chi phí, thuận tiện, dễ sử dụng cho cơ quan nhà nước.
Các doanh nghiệp công nghệ nòng cốt xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ nền tảng Họp trực tuyến hỗ trợ cho các nhu cầu quản lý, xử lý công việc, tối ưu chi phí và phát triển các dịch vụ mới của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân...
Các doanh nghiệp công nghệ nòng cốt xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển nền tảng Họp trực tuyến hỗ trợ cho chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước trong phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc. Nền tảng họp trực tuyến cho phép triển khai trên hạ tầng dùng chung thuộc chủ quản của cơ quan nhà nước, tạo dựng môi trường giúp cơ quan nhà nước dễ dàng tương tác, kết nối, đảm bảo an toàn thông tin trong xử lý công việc qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả công việc.
Các cơ quan nhà nước xây dựng kế hoạch thúc đẩy triển khai, sử dụng nền tảng số Họp trực tuyến do doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước như: họp giao ban, điều hành công việc từ xa, đào tạo, tập huấn, tiếp dân …
Đối với các nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phải đáp ứng tốt nhất việc chuyển đổi số, xử lý công việc, tối ưu chi phí, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về tính năng, chức năng, hiệu năng và an toàn thông tin theo Bộ tiêu chí yêu cầu kỹ thuật quy định. Các nền tảng này được triển khai trên hạ tầng kỹ thuật trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây của các doanh nghiệp công nghệ nòng cốt, có năng lực đáp ứng nhu cầu người dùng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp công nghệ nòng cốt xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ nền tảng Họp trực tuyến hỗ trợ cho các nhu cầu về quản lý, xử lý công việc, tối ưu chi phí và phát triển các dịch vụ mới của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo lộ trình, trong tháng 4, doanh nghiệp nòng cốt sẽ hoàn thiện, nâng cấp nền tảng họp trực tuyến đáp ứng yêu cầu tính năng, chức năng, hiệu năng, an toàn thông tin và đóng gói nền tảng để đưa vào sử dụng.
Tổ công tác chuyên gia sẽ đánh giá nền tảng Họp trực tuyến thế hệ mới của các doanh nghiệp nòng cốt, trước khi công bố các nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến đáp ứng các yêu cầu trong tháng 6.
Hiện nay, bên cạnh Zoom, Google Meet, WebEx, Microsoft Team của các hãng công nghệ nước ngoài khá phổ dụng, ở Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của một loạt các nền tảng ứng dụng họp trực tuyến của các nhà cung cấp nội như như Zavi của Zalo; giải pháp hội nghị trực tuyến dựa trên mã nguồn mở CoMeet (Liên minh CoMeet); NetMeeting (Công ty cổ phần NetNam); eMeeting (Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC phối hợp với Tập đoàn Bkav), OnMeeting (FPT Telecom)…