15:22 02/05/2007

Sẽ lập Viện Đào tạo bảo hiểm Việt Nam?

Quỳnh Lam

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tạo, Giám đốc Dự án Trung tâm Đào tạo bảo hiểm Việt Nam với VnEconomy

Hiện cả nước chỉ có một vài trung tâm đào tạo chuyên sâu về bảo hiểm.
Hiện cả nước chỉ có một vài trung tâm đào tạo chuyên sâu về bảo hiểm.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tạo, Giám đốc Dự án Trung tâm Đào tạo bảo hiểm Việt Nam với VnEconomy.

Theo ông Tạo, gia nhập WTO, ngành bảo hiểm Việt Nam sẽ đối mặt với môi trường cạnh tranh quyết liệt. Muốn tồn tại, các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị về mặt nhân lực, tích cực cho công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cả cán bộ quản lý lẫn nhân viên.

Khảo sát của Bộ Tài chính cho thấy, hiện, phần lớn cán bộ trong các doanh nghiệp bảo hiểm vừa học vừa làm nên chủ yếu kinh doanh, tư vấn, quản lý, điều hành bằng kinh nghiệm. Sự "chủ quan" này xuất phát từ thực tế thị trường "bảo hiểm" vừa qua phát triển "nóng", các doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi.

Hiện cả nước chỉ có một vài trung tâm đào tạo chuyên sâu về bảo hiểm, đó là Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Kinh tế Tp.HCM và Học viện Tài chính, với số lượng khá khiêm tốn 300-400 người/năm. Trong khi đó, nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho ngành này ngày càng lớn.

Được biết, Bộ Tài chính đã triển khai Dự án Trung tâm Đào tạo bảo hiểm Việt Nam từ năm 2004, với mục tiêu tăng cường năng lực của hệ thống bảo hiểm Việt Nam.

Ông Tạo cho biết, dự án này được hợp tác quốc tế với cơ quan đào tạo bảo hiểm các nước như: Australia, Pháp, Malaysia, Singapore. Trong đó, có đối tác chiến lược là Viện Bảo hiểm - Tài chính Australia và Newzeland được lựa chọn để cung cấp các dịch vụ tư vấn quốc tế về xây dựng mô hình và chương trình đào tạo bảo hiểm.

Dự án này có tham vọng hình thành một cơ sở đào tạo bảo hiểm cấp quốc gia với đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc tế, chương trình, tài liệu, trang thiết bị giảng dạy hiện đại, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Kinh phí cho dự án theo tính toán ban đầu khoảng 2,3 triệu euro. Trong đó, nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ 2,1 triệu euro, số lại được huy động nguồn vốn trong nước.

Hiện, mô hình Trung tâm Đào tạo bảo hiểm đã hình thành và Bộ Tài chính đang nghiên cứu tiền khả thi, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa vào họat động. Tháng 3/2007, khóa đào tạo, nâng cao nghiệp vụ bảo hiểm đầu tiên đã được thí điểm ở Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm cán bộ đến từ các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh bảo hiểm.

Dự kiến, đến tháng 3/2008, Trung tâm Đào tạo bảo hiểm Việt Nam sẽ mở 13 khóa học. Trước mắt, việc giảng dạy sẽ do các chuyên gia đến từ Viện Bảo hiểm và Tài chính Australia-New Zealand và chuyên gia Việt Nam thực hiện.