17:00 16/11/2023

Sẽ phát sinh thêm nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước chi trả khi giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí

Nhật Dương

Cơ quan soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến khi giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ làm phát sinh thêm nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước chi trả cho đối tượng này...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất giảm 5 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội so với hiện hành (80 tuổi). Theo đó, quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, với mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác được đề xuất nâng lên từ 360.000 đồng/người/tháng lên thành 500.000 đồng/người/tháng sẽ làm phát sinh thêm nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo chi trả cho đối tượng này.

Bộ dự kiến kinh phí phát sinh thêm ước tính vào khoảng hơn 7.100 tỷ đồng/năm, bao gồm: Giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi khoảng 5.000 tỷ đồng; điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ 360.000 đồng/tháng thành 500.000 đồng/tháng 2.100 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hiện nay kinh phí chi trả trợ giúp cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng còn do ngân sách địa phương đảm bảo. Vì vậy, đối với một số địa phương có ngân sách còn khó khăn thì cần phải có thêm sự hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương.

Ngoài ra, để phù hợp với thực tiễn triển khai trong khuyến khích các địa phương, không gây xáo trộn, cũng như phát sinh tăng nguồn lực thực hiện, dự thảo Luật cũng nêu rõ, đối với trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo thì các địa phương tiếp tục thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi.

Riêng rrợ cấp hằng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo thì sẽ do cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện.

Ngoài giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng), và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng.

Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì họ cũng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều. Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản.

Liên quan đến trợ cấp hằng tháng cho nhóm đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong dự thảo Luật hiện đang giao Chính phủ quy định chi tiết cách thức tính các mức trợ cấp hằng tháng này.

Hướng đang được dự kiến là khi tính mức trợ cấp này, mức thấp nhất sẽ bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội, còn lại người lao động được hưởng mức cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

“Vấn đề này sau khi Quốc hội thông qua Luật, Chính phủ sẽ có quy trình xây dựng Nghị định và hướng dẫn rõ các nội dung này. Trước khi xây dựng Nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sẽ đề xuất các phương án, lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ xem xét”, ông Cường thông tin.

Theo ông Cường, hiện chưa có mức trợ cấp hằng tháng cụ thể, song về trợ cấp hưu trí xã hội, dự thảo Luật đang dự kiến những người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trong chính sách bảo trợ đối với người cao tuổi hiện cũng đang đề xuất tăng mức chuẩn từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, đây mới chỉ là đề xuất, Chính phủ sẽ xem xét và quyết định sau khi thống nhất.