09:07 31/01/2008

“Sẽ tạo điều kiện tối đa cho kiều bào”

Thúy Lan

Hỏi chuyện ông Nguyễn Thanh Sơn, quyền Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài

Bà con kiều bào về quê ăn Tết Đinh Hợi 2007.
Bà con kiều bào về quê ăn Tết Đinh Hợi 2007.
Hỏi chuyện ông Nguyễn Thanh Sơn, quyền Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

Xin ông cho biết đôi nét về tình hình kiều bào ta về quê đón Tết trong năm nay?

Số bà con về ăn Tết Nguyên đán năm nay, chúng tôi ước tính khoảng nửa triệu người. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài vẫn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn, tổ chức mời 54 bà con đại diện của 11 quốc gia trên thế giới về tham dự đón Tết Mậu Tý. Trong đoàn này, người già nhất là 80 tuổi và người trẻ nhất là 34 tuổi.

Theo quyết định 135/2007/QĐ-TTg ngày 17/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ 01/09/2007 về việc ban hành Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì những đối tượng này sẽ được cấp giấy chứng nhận miễn thị thực về Việt Nam.

Có thể nói là chính sách mới ban hành thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài, và thể hiện tinh thần quyết tâm đưa chủ trương đại đoàn kết dân tộc đến với tất cả cộng đồng người Việt Nam trên Thế giới.

Bà con ta ở nước ngoài đón nhận thông tin này với thái độ rất phấn khởi. Và điều này cũng cho thấy việc về nước của bà con ta để sinh sống làm ăn, đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi.

Trong thời gian qua, khi thực hiện các chính sách về miễn thị thực cho kiều bào, ông có nhận được thông tin gì không từ phía kiều bào về vấn đề xác nhận nguồn gốc, đặc biệt là những đối tượng vượt biên?

Đối với những người rời khỏi Việt Nam bất hợp pháp, như trường hợp vượt biên, thì có thể nói rằng, chúng ta không xem xét hoàn cảnh mà kiều bào ta ra đi. Vấn đề là họ chứng minh được họ có nguồn gốc là người Việt Nam và định cư hợp pháp tại nước sở tại, thì chúng tôi sẽ cấp giấy miễn thị thực.

Nghĩa vụ của họ là chứng minh nguồn gốc của mình. Và một điểm đặc biệt mới ở đây trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào ở nước ngoài là chúng ta không xem xét hoàn cảnh, mà chỉ quan tâm việc họ có giấy tờ và chứng minh được nguồn gốc mình thì họ có thể được hưởng tất cả các ưu đãi như người khác.

Đây có thể nói là một bước đi, chính sách, tư duy rất đổi mới của Đảng và Nhà nước ta khi nhìn nhận và muốn tạo điều kiện tối đa cho kiều bào ta ở nước ngòai.

Còn vấn đề hai quốc tịch đã nói rất nhiều trong năm 2007, vậy vấn đề này có được giải quyết triệt để trong năm 2008 hay không, thưa ông?

Vấn đề quốc tịch chắc chắn liên quan tới luật, và hiến pháp. Chính bởi vì có liên quan tới luật và Hiến pháp nên chúng ta không thể giải quyết ngày một ngày hai được.

Quốc gia nào cũng vậy, luật và hiến pháp phải được trình và thông qua Quốc hội, thông qua rất nhiều cơ quan hành chính, chứ không phải đơn giản để có thể sửa đổi được luật, ngay cả ở nước rất phát triển cũng vậy. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng, Đảng và Chính phủ Việt Nam, cố gắng tối đa tạo điều kiện cho bà con kiều bào.

Ví dụ như bà con có thể về Việt Nam bất cứ lúc nào bà con ta mong muốn, phù hợp với pháp luật Việt Nam và nước sở tại nơi họ sinh sống. Luật Quốc tịch là nguyện vọng và mong muốn của bà con từ rất lâu, nhưng chúng tôi sẽ có chương trình hành động, phù hợp với chương trình hành động của Chính phủ làm sao đáp ứng được yêu cầu của bà con.

Kế hoạch trong thời gian tới của Ủy ban là gì, thưa ông?

Kế hoạch của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngòai trong thời gian tới là phải củng cố mạnh hơn nữa để truyền tải đầy đủ sự đổi thay, lớn mạnh của đất nước sau hai mươi năm đổi mới. Chúng ta cần truyền tải được những thông tin này tới tận chi hội của đồng bào ta ở các nơi trên thế giới để đồng bào ta biết được tường tận những đổi thay của đất nước trong những năm tháng vừa qua.

Đó chính là nhiệm vụ tuyên truyền, và ngược lại chúng tôi thấy rằng trong thời gian vừa qua có một số chính sách đã được ban hành, áp dụng có hiệu quả, đã tạo được sự tin tưởng phấn khởi của bà con đối với Chính phủ. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc dạy tiếng Việt mạnh hơn nữa mà chúng tôi đã thực hiện trong những năm qua.

Một loạt chính sách đã được kiến nghị, và có một số chính sách có thể khả thi trong những năm tiếp theo như chúng tôi đã xin Thủ tướng Chính phủ bổ sung Nghị định 90 để làm sao kiều bào sớm có quyền được mua nhà tại Việt Nam, rồi vấn đề hai quốc tịch, cũng là vấn đề mà kiều bào ta đang mong muốn, trông đợi từ phía Nhà nước.