08:22 18/10/2012

Sẽ thắt quản lý FDI bằng “hậu kiểm”

Anh Minh

Các văn bản mới về quản lý đầu tư nước ngoài sẽ được ban hành để tăng cường "hậu kiểm" các doanh nghiệp FDI

Tính chất “hậu kiểm” đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước 
ngoài được thể hiện đậm nét trong bản quy chế này, thể hiện ở phần quy 
định về giám sát việc triển khai dự án.
Tính chất “hậu kiểm” đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thể hiện đậm nét trong bản quy chế này, thể hiện ở phần quy định về giám sát việc triển khai dự án.
Dự thảo hai văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trong tuần này, một động thái cho thấy các cơ quan chức năng sẽ thắt chặt quản lý bằng “hậu kiểm”.

Sau hàng loạt vấn đề sai phạm liên quan đến doanh nghiệp FDI trong thời gian qua như vấn đề vay tín dụng trong nước, không triển khai dự án đúng cam kết, bỏ trốn…, các hàng rào mới sẽ được dựng lên bằng hai văn bản này.

Hai văn bản nói trên bao gồm quy chế phối hợp hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài và thông tư quy định công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện các dự án.

Theo dự thảo các văn bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài; trong khi các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo địa bàn và giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn.

Đối với vấn đề quản lý dòng vốn ra vào, dự thảo quy chế quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện việc giám sát, quản lý việc mở tài khoản, chuyển tiền vào Việt Nam, chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài để thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các ban quản lý có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong công tác quản lý giám sát nguồn tài chính, dòng tiền của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Tính chất “hậu kiểm” đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thể hiện đậm nét trong bản quy chế này, thể hiện ở phần quy định về giám sát việc triển khai dự án.

Chẳng hạn, các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài “có trách nhiệm kiểm tra theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất tại các doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư”.

Vẫn theo quy chế, các nội dung sẽ được thanh kiểm tra thường xuyên gồm việc thực hiện các nội dung quy định tại giấy chứng nhận đầu tư; tiến độ góp vốn điều lệ/vốn đầu tư; tình hình góp vốn pháp định đối với ngành có quy định bắt buộc vốn pháp định; tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ theo cam kết của dự án; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước...) và việc đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư (thuế, tiền thuê đất, mặt nước,...); việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động, quản lý ngoại hối, bảo vệ môi trường, tình hình thuê đất và sử dụng đất...

Tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động cũng có thể bị kiểm tra, bao gồm các nội dung như trị giá tài sản góp vốn của các bên; tình hình sử dụng máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu; kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu tại thời điểm trước khi lên sàn chứng khoán trong một số trường hợp đặc biệt; các giao dịch với công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty có quan hệ liên kết, tình hình thực hiện các khoản nợ, việc chia lợi nhuận đối với phần vốn góp của nhà nước trong liên doanh...

Kể từ thời điểm Chính phủ phân cấp rộng rãi cho các tỉnh thành về việc quản lý đầu tư nước ngoài, các cơ quan chức năng ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc tổng hợp thông tin và số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài trong toàn quốc do các tỉnh thành không chịu báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ.