Sẽ thí điểm một số cơ chế khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Bộ Y tế được giao phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan rà soát các vướng mắc từ thực tiễn để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thí điểm triển khai một số cơ chế, chính sách bảo đảm thuốc, thiết bị y tế, hóa chất xét nghiệm, nhằm giải quyết ngay các vướng mắc của lĩnh vực y tế…
Đây là một trong những nội dung được nêu tại Thông báo số 56/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai Kết luận số 26/TB-VPCP và hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.
Thông báo kết luận nêu rõ, Bộ Y tế trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ, chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các vướng mắc từ thực tiễn trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thí điểm triển khai một số cơ chế, chính sách bảo đảm thuốc, thiết bị y tế, chế phẩm, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư tiêu hao nhằm giải quyết ngay các vướng mắc từ thực tiễn, phù hợp đặc thù của lĩnh vực y tế trong thời gian chờ Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực và các văn bản pháp luật được sửa đổi.
Trong đó có các quy định về: đấu thầu vật tư y tế kèm theo cung cấp máy móc, thiết bị thực hiện xét nghiệm; về báo giá gói thầu trong trường hợp có nhiều nhà sản xuất cung cấp cùng chủng cùng đáp ứng tiêu chuẩn theo hướng lấy 3 báo giá theo nhà sản xuất khác nhau. Trường hợp chỉ có một nhà sản xuất nhưng có nhiều nhà phân phối theo hướng lấy 3 báo giá theo nhà phân phối và giao Bộ Y tế quyết định dựa trên tính đặc thù, nổi trội...để quyết định trường hợp sản phẩm kỹ thuật mới, sản phẩm đầu tiên có mặt trên thị trường, sản phẩm chuyên biệt mà chỉ có một nhà phân phối.
Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ trước ngày 1/3/2023 để Chính phủ xem xét, ban hành tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vào ngày 3/3/2023.
Bộ Y tế cũng được giao rà soát sửa đổi Thông tư số 15/2020/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá với quan điểm tập trung đấu thầu ở Trung ương (quốc gia) đối với danh mục thuốc phần lớn các bệnh viện có nhu cầu sử dụng phổ biến, tỷ trọng lớn, đảm bảo thống kê được 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc này để giảm được giá, chi phí khám chữa bệnh cho người dân, có thể điều tiết giữa các địa phương, giữa các bệnh viện; các địa phương, bệnh viện, các cơ sở y tế thực hiện đấu thầu đối với các danh mục còn lại; ban hành Thông tư trước 15/4/2023.
Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các bộ, ngành khi xây dựng các chính sách có liên quan đến lĩnh vực y tế cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để các quy định ban hành phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế.
Về hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu đưa vào dự thảo Nghị định quy định theo hướng hậu kiểm thay cho phương thức tiền kiểm, thẩm định trong quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số đăng ký lưu hành.
Đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm doanh nghiệp trong báo cáo, công khai; quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong kiểm tra, giám sát và thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, liên quan đến vấn đề bảo đảm điều kiện trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ đã chủ động sửa đổi Nghị định 98, cuối năm 2022, Bộ đã phối hợp cùng với các bộ, ngành để tổng hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định. Khi Nghị định này được ban hành thì vấn đề thiếu trang thiết bị, vật tư y tế được giải quyết nhanh chóng.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ cũng đã đồng ý để Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 98 theo hình thức rút gọn, tức là khi Nghị định sửa đổi được ban hành thì sẽ có hiệu lực ngay.
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 80 cho phép Bộ Y tế được kéo dài thời gian đăng ký lưu hành thuốc, nhằm đáp ứng được số lượng thuốc cung ứng trên thị trường.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã triển khai và kéo dài thêm giấy đăng ký lưu hành cho khoảng 9.000 loại thuốc, bảo đảm thuốc cung ứng trên thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã trình Chính phủ những nội dung trong sửa đổi Luật Dược, trong đó có các quy định đáp ứng nhu cầu về thuốc trên thị trường.
Về vấn đề máy móc để phục vụ người dân khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ quy định, đối với những máy sau thời điểm ngày 5/11/2022 mới triển khai ký hợp đồng, thì sẽ tiếp tục được sử dụng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nội dung này cũng sẽ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để ban hành và có hiệu lực ngay trong đầu tháng 3 này.